Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ TIẾN HÀNH XEMINA TRONG GIẢNG DẠY MÔN LỊCH SỬ


Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
 Phương pháp giảng dạy là phương pháp được hình thành trong quá trình dạy học, nhằm thực hiện nhiệm vụ, mục đích, nội dung dạy học đã được xác định.
 Phương pháp giảng dạy, theo nghĩa rộng bao hàm trong đó cả cách thức hoạt động, tác động giữa người dạy (chủ thể - người thầy) trực tiếp, hoặc gián tiếp (qua các phương tiện như sách, nghe, nhìn..) với người học (vừa là đối tượng của sự dạy, vừa là chủ thể học, tự học), cùng nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung dạy học. Do vậy, để thực hiện quá trình dạy học một cách hiệu quả, phương pháp giảng dạy có tầm quan trọng to lớn, đóng một vai trò quyết định. Phương pháp giảng dạy là một thành tố quan trọng của quá trình đào tạo, là yếu tố quyết định đến chất lượng học tập của người học và góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu đào tạo.

1. Hiện nay, trong khi giảng dạy môn Lịch sử nói riêng, các môn khoa học xã hội nói chung, hầu hết giảng viên sử dụng phương pháp truyền thống, diễn giảng là chủ yếu, thuyết trình, độc thoại, nêu vấn đề, thầy giảng, trò ghi chép; thầy truyền đạt kiến thức, trò thụ động tiếp thu; thầy độc thoại phát vấn -  trả lời; thầy độc quyền đánh giá. Tóm lại, thầy đảm nhận cả ba chức năng: Làm ra sản phẩm, quản lý, điều chỉnh hoạt động.
Trong quá trình giảng dạy, giảng viên chưa đặt ra yêu cầu cao đối với sinh viên. Việc tổ chức, hướng dẫn phương pháp học tập cho sinh viên chưa được chú trọng đúng mức. Điều đó làm cho sinh viên ít quan tâm đến môn học và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy.
Còn đối với người học: sinh viên không cần sách, tài liệu tham khảo. Học chỉ cần “nói lại” những điều thầy đã nói, giáo trình ghi, học thuộc lòng, thi hết học phần, niên luận. Mục đích học tập của sinh viên mang nặng tính thi cử, trả nợ môn học.
Điều này dẫn đến hậu quả là chất lượng học tập của sinh viên thấp, khả năng nắm bắt kiến thức bài học không sâu, từ đó dẫn đến những nhận thức không đúng. Đặc biệt, tình trạng thờ ơ, chán học môn này rất phổ biến.
Sinh viên chưa có ý thức cao với môn học, học quấy quá, cho rằng đây là môn học phụ, làm giảm nhiệt tình của người dạy. Đồng thời, xuất hiện tư tưởng cho rằng đây là môn học “chính trị” bắt buộc, dẫn đến thái độ ỷ lại, thụ động, thiếu tích cực. Sinh viên hầu như không có phương pháp và hình thức học tập sáng tạo. Tình trạng dạy chay, học chay là phổ biến, thầy dạy đơn điệu, trò học nhồi nhét.
Thầy chưa đánh thức được sự đam mê, khả năng tư duy của người học. Lý thuyết khô khan, giáo điều, ít gắn với thực tiễn, chưa soi rọi vào những vấn đề phức tạp của cuộc sống.
Do vậy, để khắc phục tình trạng trên, khắc phục những hạn chế, khó khăn đối với việc giảng dạy môn Lịch sử cần cấp thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy; trong đó, đổi mới phương thức tiến hành xemina như một bộ phận của đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện dạy học tích cực.
2. Vậy phương pháp dạy học tích cực là gì? Là phương pháp khêu gợi cho sinh viên suy nghĩ, suy luận, động não, nêu thắc mắc, thuyết trình và tranh biện. Phương pháp giảng dạy tích cực là lấy sinh viên làm trung tâm. Trò tự mình tìm ra kiến thức dưới sự hướng dẫn của thầy. Thầy- trò; trò – thầy đối thoại; trò hợp tác với nhau.
Thầy dẫn dắt định hướng giúp học trò tự tìm ra kiến thức, tự mình chấp nhận một cách hiển nhiên.
Trò học cách học, cách làm, cách giải quyết vấn đề, làm cho mình trưởng thành hơn. Trò tự đánh giá, sửa sai và điều chỉnh kiến thức làm cơ sở để thầy cho điểm đánh giá.
Thực chất của quá trình này là tổ chức quá trình dạy của thầy thành quá trình tự học của trò. Giảng viên không học hộ sinh viên bằng cách thuyết trình toàn bộ nội dung môn học. Như vậy, phương pháp này hướng vào việc tích cực hóa hoạt động của sinh viên. Giảng viên sử dụng các biện pháp kích thích sinh viên tích cực hoạt động.
Tựu chung lại, mục đích của việc dạy học tích cực là phải tạo ra bước chuyển biến cơ bản về việc tăng cường tính tích cực, chủ động cho sinh viên, đồng thời với việc tăng cường vai trò chủ đạo, dịnh hướng, điều chỉnh của giảng viên.
Vì vậy, nếu trước đây, trong quá trình giảng dạy, thường lấy hình thức giảng bài là khâu xuất phát, thì nay cần phải lấy hình thức hướng dẫn sinh viên tự học là khâu xuất phát. Trong hướng dẫn sinh viên tự học thì hình thức cho hiệu quả cao (nếu biết tiến hành đúng các yêu cầu) chính là xemina.
Xemina là một hình thức dạy học cơ bản trong môn học, trong đó sinh viên thảo luận, tranh luận những vấn đề khoa học dưới sự hướng dẫn của người thầy, nhằm khơi sâu, mở rộng vốn tri thức, tìm tòi, phát hiện chân lý, hoặc chứng minh, tìm cách vận dụng chân lý khoa học đó vào thực tiễn. Giảng viên cần làm chủ kiến thức trong suốt giờ học, tổ chức điều khiển hoạt động của sinh viên, tiếp nhận thông tin ngược từ sinh viên về khả năng nhận thức, về mức độ khó, dễ của kiến thức đối với sinh viên... Thông qua xemina, giảng viên hiểu rõ hơn về khả năng nắm bắt kiến thức của sinh viên, sau đó điều chỉnh việc giảng dạy của mình cho phù hợp. Có thể nói, xemina là một phương pháp dạy học có nhiều điểm tối ưu. Đây là hình thức kiểm tra sự hiểu biết của sinh viên, là hình thức liên lạc tích cực giữa giảng viên và sinh viên. Hình thức này sẽ phát huy được một cách tối đa tính độc lập, sáng tạo trong tư duy của sinh viên; đồng thời, phát huy được sức mạnh tập thể, rèn luyện cho sinh viên thói quen năng động, nhạy bén, rèn luyện tư duy nói và viết gọn. Hoạt động đặc thù này đẩy mạnh khả năng tự nghiên cứu trong học tập của sinh viên.
Tóm lại, xemina là dạng thức giảng dạy tích cực để phát huy tư duy độc lập của sinh viên, giúp sinh viên cùng với giảng viên khơi sâu, mở rộng hoặc tìm tòi nhận thức, tri thức mới, huy động tối đa sự tham gia của tập thể và rèn luyện sự nhạy bén tư duy viết và nói gọn.
Xemina gồm có những chức năng:
Chức năng nhận thức.
 Chức năng giáo dục.
 Chức năng kiểm tra, tự kiểm tra.
Như vậy, đây là hình thức không mới, nhưng thực hiện tốt sẽ đạt chất lượng và hiệu quả.
Để một giờ xemina đạt hiệu quả cao, thông thường có năm bước tiến hành:
Bước 1: Giảng viên kiểm tra tình hình chuẩn bị của sinh viên.
Bước 2: Giảng viên công bố tiến trình buổi xemina.
Bước 3: Giảng viên nhấn mạnh những vấn đề cần tập trung, hướng dẫn sinh viên thảo luận theo hướng đó.
Bước 4: Sinh viên tham gia thảo luận những vấn đề đã được đề cập.
Bước 5: Giảng viên tổng kết, nhận xét và đưa ra kết luận.
Trên đây là năm bước để tiến hành một buổi xemina nói chung; tuy nhiên, tuỳ từng bài giảng cụ thể, tuỳ từng nội dung, giảng viên có thể sử dụng một số kiểu tổ chức như: “trao đổi nhóm”, “nghiên cứu trường hợp”...
Thực tế cho thấy, môn Lịch sử luôn gắn với các vấn đề mang tính thực tiễn, cho nên các giờ xemina là hết sức cần thiết. Đáng tiếc, hiện nay không phải giảng viên nào cũng thực hiện đầy đủ, do nhiều yếu tố như số lượng sinh viên đông; năng lực hạn chế của giảng viên; tính tích cực, chủ động của sinh viên còn thấp; thời lượng và nội dung môn học chưa phù hợp...
3. Để đạt được kết quả xemina, cần tiến hành hàng loạt những biện pháp sau:
-  Làm rõ nhiệm vụ của giảng viên
- Làm rõ nhiệm vụ của sinh viên trong quá trình chuẩn bị và trong giờ thảo luận ở nhóm nhỏ.
- Lựa chọn phương thức tiến hành xemina
Nhiệm vụ của giảng viên
Khi giới thiệu cụm bài có nội dung thảo luận (xemina), phải có sự chuẩn bị cho phù hợp, cần đi vào những nội dung cơ bản của bài, hướng dẫn cho sinh viên các tài liệu, cách trình bày, phương pháp thảo luận.
Việc tiến hành giờ thảo luận thế nào để cho sinh viên tham gia tích cực, tập trung học tập, đưa đến kết quả, phần lớn phụ thuộc vào sự hướng dẫn khéo léo của giảng viên. Giảng viên theo sát sự trình bày của sinh viên, đôi khi các em trình bày quá xa, hoặc chệnh hướng vấn đề, giảng viên đều phải định hướng kịp thời, không để mất thời gian.
Đề tài phải được chọn theo các cụm bài cùng các nguồn tài liệu có liên quan và giao cho sinh viên chuẩn bị trước một thời gian nhất định (thông thường là 1tuần).
Sự lựa chọn chủ đề đóng một vai trò quan trọng trong việc tiến hành thành công một buổi xemina. Cần lựa chọn loại đề tài có tình huống. Đề tài có thể là những nội dung cơ bản, những vấn đề trong giáo trình môn học, hoặc có thể là chuyên đề chuyên sâu có liên quan chặt chẽ với thực tiễn.
Xemina không phải là hình thức sinh viên đọc lại toàn bộ những kiến thức đã học, mà cần khuyến khích sinh viên đưa ra những vấn đề khó, những vấn đề còn vướng mắc, kể cả những vấn đề không liên quan trực tiếp trong bài giảng để thảo luận.
Để tránh tình trạng đi lệch chủ đề hoặc đi quá xa vấn đề cần thảo luận, giảng viên cần điều chỉnh, hướng dẫn sinh viên đi vào những luận điểm cần bàn.
Để đi sâu hơn những vấn đề cần trao đổi, giảng viên có thể đưa ra những quan điểm trái ngược nhau, hoặc lật ngược vấn đề cho sinh viên tranh cãi.
Trong quá trình trao đổi sẽ có nhiều vấn đề sinh viên tự mình chưa lý giải được vì vốn kiến thức còn ít. Vì vậy, giảng viên cần phải giải đáp cho sinh viên những thắc mắc, hệ thống lại những vấn đề trao đổi.
Xemina là phương pháp trao đổi tranh luận về những đề tài, chủ đề có tính chất mở. Do đó, cũng không nhất thiết giảng viên phải gò ép sinh viên đi theo một hướng cụ thể nào đó. Điều chính nhất là giảng viên cần chốt lại vấn đề trên lập trường khoa học, độc lập giải quyết một vấn đề, từ đó làm cơ sở cho việc tự học, tự nghiên cứu.
Giảng viên cần gợi ý đề cương để sinh viên chuẩn bị, kết hợp nêu một số câu hỏi để sinh viên chuẩn bị  trước. Câu hỏi đưa ra phải mang tính định hướng cho số đông sinh viên, không quá khó, cũng không quá dễ, đảm bảo tính vừa phải đối với khả năng tư duy của sinh viên.
Hướng dẫn hoạt động xemina là một hoạt động khó hơn nhiều so với giảng lý thuyết trên lớp; do đó, đòi hỏi giảng viên phải có chuẩn bị hết sức chu đáo, vững vàng về chuyên môn và phương pháp sư phạm, nhằm cuốn hút sinh viên xử lý các tình huống mới xảy ra. Tuy nhiên, để buổi xemina có chất lượng, giảng viên vẫn là người chủ động điều khiển quá trình thảo luận.
Trước hết, giảng viên cần động viên khuyến khích sinh viên mạnh dạn trình bày quan điểm của mình vì thường ban đầu các em rất ngại phát biểu trước đám đông.
Để tiến hành xemina hiệu quả, giảng viên cần đưa ra đề tài để sinh viên chuẩn bị trước. Đề tài phải được chuẩn bị dưới dạng đề cương.
Nhiệm vụ của sinh viên
Ở bậc đại học, một giờ lên lớp ít nhất phải có hai giờ tự học, đọc tài liệu, đề cương, bài giảng, vì thế, sinh viên về nhà phải đọc tài liệu, chuẩn bị nội dung xemina theo hướng dẫn. Ở khâu này, sự  tích cực, nghiêm túc của sinh viên thể hiện  rất rõ.
Đối với sinh viên: Phải chuẩn bị kỹ xemina cùng với các tài liệu liên quan; phải có thái độ thực sự nghiêm túc và coi đây là giờ học thực sự.
Sinh viên tự giác nghiên cứu bài giảng, giáo trình, một số tài liệu cần thiết để chuẩn bị đề cương xemina và cần xây dựng được những nội dung cốt lõi. Ngoài ra, có thể chuẩn bị sâu hơn những vấn đề mình tâm đắc, hoặc những vấn đề mình băn khoăn, gây nhiều tranh cãi. Sinh viên có thể trình bày ý kiến của mình và cũng có thể đưa ra thảo luận nhóm, tập thể.
Đọc tài liệu tham khảo là một công việc quan trọng hết sức cần thiết đối với sinh viên trong việc chuẩn bị cho xemina.
Sách tham khảo hướng dẫn cho sinh viên đọc bao gồm: Trích đọc các bài nghiên cứu chuyến sâu,  các chuyên luận,  các bài tạp chí chuyên ngành...
Sinh viên hiện nay phần đông thường không đọc tài liệu tham khảo, không có thói quen tự đọc sách, bởi chưa có sự ham học và thiếu phương pháp đọc sách.
Hướng dẫn cho sinh viên đọc tài liệu tham khảo, giảng viên có thể chỉ ra tác phẩm, tác giả, hoặc chỉ rõ từng trang trong các tài liệu tham khảo. Khi giới thiệu tài liệu tham khảo, giảng viên có thể hướng dẫn cụ thể chỗ nào cần đọc, chỗ nào cần ghi tóm tắt. Để các tiết học dưới hình thức xemina đạt hiệu quả chất lượng cao, thì việc hướng dẫn sinh viên chuẩn bị phải hết sức chu đáo. Giảng viên phải hướng dẫn một cách có hệ thống các công việc của sinh viên, gợi ý, giải thích các chỗ khó trong đề tài cho họ.
Phương thức tiến hành xemina
Có nhiều phương thức tiến hành xemina khác nhau. Phương pháp hội thảo, phương pháp thảo luận theo cụm bài, phương pháp nêu câu hỏi, ... mỗi phương pháp đều có mặt mạnh, mặt yếu nhất định. Dưới đây, tập trung vào hai phương pháp chính là phương pháp thảo luận nhóm và phương pháp thảo luận theo cụm bài, bởi đây là hai phương pháp phổ biến và mang lại tác dụng tích cực hơn cả.
Phương pháp thảo luận theo cụm bài
Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm. Bởi vì:
- Nó bổ sung và làm rõ, củng cố kiến thức kịp thời cho sinh viên
- Lượng kiến thức vừa phải, không quá chuyên sâu như hội thảo hoặc không tập trung như phương pháp nêu câu hỏi.
- Thấy được tính logic và sự liên kết về nội dung giữa các bài với nhau.
- Tạo không khí sôi nổi, hào hứng, sinh viên có điều kiện trao đổi, tranh luận với nhau.
Phương pháp thảo luận nhóm
Giảng viên cần chia mỗi nhóm từ 10 - 15 sinh viên, chú ý phân bổ đều về năng lực của sinh viên trong mỗi nhóm, tránh tình trạng nhóm toàn người khá, nhóm toàn người yếu. Phương pháp thảo luận nhóm là phương pháp thường được sử dụng trong các buổi xemina theo chủ đề có sẵn và cho hiệu quả tích cực. Căn cứ vào chủ đề đã chọn có thể nêu một số nhóm các câu hỏi mang tính chất gợi mở, nêu vấn đề, sau đó hướng dẫn cho sinh viên tự chủ động nghiên cứu, trao đổi thảo luận bài học giữa tổ với tổ, nhóm với nhóm. Trong thảo luận nhóm vai trò tích cực, chủ động của sinh viên được khơi dậy ở mức tối đa. Vai trò của người thầy trong quá trình này chỉ là hướng dẫn, gợi mở và thống nhất nhận thức chung cho sinh viên.
4. Trong khi tiến hành xemina, giảng viên cần phải chú ý một số vấn đề sau:
 Thứ nhất, trong nghiên cứu, giảng dạy phải  tuân thủ những vấn đề có tính nguyên tắc thuộc phương pháp luận sử học, bám sát đối tượng và phương pháp của khoa học lịch sử. Tuy nhiên, để buổi thảo luận giàu sức sống và sức thuyết phục, khi hướng dẫn xemina, cần có sự liên hệ thực tiễn.
Giảng viên phải cùng sinh viên làm rõ bối cảnh lịch sử của những vấn đề cụ thể. Trình bày, phân tích một cách rõ ràng bối cảnh mỗi giai đoạn lịch sử, thời kỳ lịch sử... giúp người học nhận thức được những yếu tố chi phối tiến trình sự kiện lịch sử; trên cơ sở đó, tập trung làm rõ những nội dung chính yếu.  
Thứ hai, xemina là hình thức phát huy trí thông minh, tính độc lập suy nghĩ, luận giải vấn đề trên cơ sở dùng những tư liệu lịch sử xác thực làm căn cứ. Chủ đề xemina phải lựa chọn trong số những vấn đề cơ bản nhất, có nhiều ý nghĩa lý luận và thực tiễn, tập trung vào những vấn đề lịch sử mang tính phức tạp, nói cách khác, đây là loại đề tài loại “có tình huống”. Đối với những loại vấn đề ấy, nếu thầy giáo không đưa ra thảo luận theo một quan điểm và phương pháp đúng, thì sẽ gây những bất cập nhất định.
Cách biểu đạt các chủ đề xemina cần ngắn gọn, có nội dung hàm súc nhưng dễ hiểu. Giáo viên có nhiệm vụ đặt ra các câu hỏi gợi ý, định hướng cuộc thảo luận vào những vấn đề có tình huống (là những vấn đề và để kích thích sự quan tâm của người học).Thông qua thảo luận, sinh viên phải nắm được nội dung cốt lõi của vấn đề, giá trị lịch sử và giá trị thực tiễn của vấn đề được nêu.
Thứ ba, để hoàn thành công việc hướng dẫn xemina đạt hiệu quả cao, cũng như đảm nhiệm tốt công việc giảng dạy, người giảng viên trước hết phải là một nhà chuyên môn đạt trình độ chuyên gia và đồng thời phải là một nhà sư phạm. Là một chuyên gia, đòi hỏi giảng viên phải có sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện các vấn đề chuyên môn và các vấn đề liên quan, từ những vấn đề đã được nghiên cứu, giải quyết đến những vấn đề vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu. Là nhà sư phạm, người giảng viên phải nắm vững quy luật nhận thức, quy luật nhận thức của người học để xác định và lựa chọn phương pháp hướng dẫn ngưòi học, giúp cho người học có phương pháp học tập.
Hướng dẫn xemina thành công, đạt yêu cầu về mặt mở mang kiến thức, giáo dục tư tưởng... hoàn toàn không đơn giản và nhiều khi còn khó hơn giảng bài, bởi nếu trong quá trình giảng, thầy luôn luôn chủ động, thì khi hướng dẫn xemina thầy luôn luôn bị tác động từ phía sinh viên. Hơn nữa, có nhiều ý kiến nảy sinh ngoài dự kiến, nên nếu không vững rất dễ rơi vào trường hợp bị lúng túng, cho nên giảng viên cần đầu tư cho công tác chuẩn bị thật tốt trước khi tiến hành xemina. Giảng viên phải không ngừng mở rộng hiểu biết về các lĩnh vực khoa học lịch sử và thực tiễn. Giảng viên phải nghiên cứu các tư liệu lịch sử ở trong nước và các nước trong khu vực và thế giới. Việc cập nhật thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp cho giảng viên có nhiều kiến thức mới, phong phú.
Giảng viên cần kết hợp giữa công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, qua đó, trình độ khoa học của giảng viên sẽ được nâng cao, kiến thức sâu rộng, góp phần nâng cao công việc giảng dạy.
Trên đây là một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử thông qua việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc tiến hành xemina. Trên thực tế, không có phương pháp nào là tuyệt đối, mà bao giờ cũng có sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau. Để kích thích sự hứng thú của sinh viên đối với môn học; đồng thời, làm rõ những nội dung cơ bản nhất, cốt lõi nhất của chương trình môn học chắc chắn còn đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ khác, song với điểm nhấn trong quá trình giảng dạy là xemina – nếu thực hiện tốt có nghĩa là đã từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy – học tập.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét