Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

NHẬN THỨC LỊCH SỬ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN



Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Thực hiện công trình nghiên cứu, nhà sử học hướng tới việc dựng lại một cách chân thực, khoa học bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của quá trình lịch sử, tìm kiếm mối liên quan hệ thống giữa các sự kiện; khám phá, diễn dịch những quy luật của quá trình lịch sử. Như vậy, làm việc một cách cẩn trọng với nguồn sử liệu, tuân thủ nguyên tắc nghiên cứu, sử dụng hiệu quả các phương pháp khoa học, nhà sử học nhằm tới đích là nhận thức lịch sử khách quan, khoa học, toàn diện. Song nhà sử học có thực sự đạt tới đích đó được không? Bài viết tập trung làm rõ nội dung, tính đặc thù của nhận thức lịch sử, chỉ ra các yếu tố quy đính tính chân thực, khách quan của nhận thức lịch sử, khẳng định sự cần thiết tuân thủ các nguyên tắc, phương pháp nghiên cứu một cách chặt chẽ, tính trách nhiệm nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp cao ở nhà sử học nhằm mục đích tiệm cận chân lý lịch sử.

1. Nhận thức lịch sử
Thuật ngữ “lịch sử” mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng được hiểu trên hai phương diện chủ yếu: 1- Trên phương diện bản thể luận, lịch sử là bản thân sự việc đã xảy ra trong quá khứ một cách khách quan, độc lập với ý thức của con người và tuân theo những quy luật tất yếu; 2- Trên phương diện nhận thức luận, lịch sử là toàn bộ những tri thức, hiểu biết, những hình dung, ý niệm mang tính xã hội về quá khứ.
Nhận thức luận - nhận thức lịch sử được hình thành trong quá trình nghiên cứu lịch sử. Nhận thức lịch sử là một nhu cầu nhận thức mang tính đặc thù, tuyệt đối chỉ có ở con người, là tổng hợp mọi hiểu biết, hình dung của xã hội nói chung, của các nhóm xã hội nói riêng về quá khứ của mình và của toàn thể nhân loại. Nói một cách đầy đủ và chung nhất thì đây là một hoạt động phức tạp, đem lại những hiểu biết về quá trình lịch sử trong quá khứ, giải thích tính phong phú, đa dạng của quá trình này, lấy đó làm cơ sở để phát hiện những quy luật của xã hội loài người. 
Sự nhận thức các quy luật lịch sử có ý nghĩa thiết thực đối với sự tiến bộ của xã hội. Mỗi dân tộc, hoặc mỗi cộng đồng xã hội đều có những nhận thức lịch sử nhất định về nguồn gốc, về những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc và đất nước mình; về mối liên hệ, sự tương quan của lịch sử dân tộc với lịch sử của những dân tộc khác và lịch sử nhân loại. Đó chính là những tài sản vô giá trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc, là phương tiện quan trọng để mỗi dân tộc tự nhận thức chính mình trên cơ sở nhận thức về vị trí của mình trong tiến trình lịch sử toàn nhân loại; từ đó, khẳng định vị thế dân tộc và khẳng định bản ngã.
Nhận thức lịch sử mang tính xã hội, gắn chặt với xã hội, là một bộ phận của nhận thức xã hội, vì khoa học lịch sử nghiên cứu xã hội, tham gia vào đời sống xã hội. Nội dung của nhận thức lịch sử ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội và tham gia vào sự hình thành ý thức xã hội. Ảnh hưởng của đời sống xã hội (tính giai cấp, vấn đề thời đại, môi trường…) tác động tới hoạt động nghiên cứu của nhà sử học, từ việc chọn đề tài, chọn lựa tư liệu, đến cách phân tích, đánh giá. Có thể thấy rằng, giữa nhận thức lịch sử và nhận thức xã hội không có ranh giới phân định rạch ròi, bởi lẽ, hai loại hình nhận thức này thường đan xen, hòa quyện rất chặt chẽ với nhau. Những yếu tố căn bản của nhận thức xã hội như quan điểm, tư tưởng, ý thức pháp luật, ý thức chính trị, đạo đức, nghệ thuật, khoa học… đều có nguồn gốc hình thành và lịch sử của mình. Chúng chỉ có thể được nhận thức thông qua cách tiếp cận lịch sử - cụ thể. Trên nền tảng của các đánh giá, các quan điểm về quá khứ, hình thành nên các hệ thống lý thuyết xã hội, các hệ tư tưởng của xã hội đương đại. Điều đó giải thích một cách thuyết phục vì sao khi tranh luận những vấn đề nóng bỏng của hiện tại, người ta thường tìm kiếm cơ sở luận giải từ chính lịch sử. Giữa quá khứ và hiện tại luôn có một sợi dây gắn bó chặt chẽ, kế thừa, liền mạch nằm ngay trong nhận thức lịch sử.
2. Đặc thù của nhận thức lịch sử
Đối tượng nghiên cứu của sử học có hàng loạt các đặc điểm riêng biệt, nên quá trình nhận thức chúng cũng có hàng loạt nét đặc thù. Về tính chất và bản chất của quá trình nhận thức, trong những thời kỳ khác nhau, có những quan niệm khác nhau.
Thế kỷ XIX, các nhà sử học theo chủ nghĩa Thực chứng phủ nhận tính đặc thù của quá trình nhận thức lịch sử và đồng nhất nó với quá trình nhận thức nói chung. Cơ sở của quan niệm này là nhận thức về sự khác biệt không rõ ràng trong mục đích, phương pháp nghiên cứu của khoa học lịch sử với những khoa học khác, khi cho rằng, khoa học lịch sử cũng đi con đường mà các khoa học khác đã đi, sử dụng các phương pháp nghiên cứu của những khoa học đó. Các nhà sử học ủng hộ quan điểm này thậm chí còn viện dẫn ý kiến “coi các hình thái kinh tế - xã hội như một quá trình lịch sử - tự nhiên” của K. Mars và diễn giải khi “nhìn thấy trong lịch sử “quá trình lịch sử - tự nhiên”, K. Mars cũng đã không nhìn thấy sự khác biệt cơ bản giữa các khoa học với nhau”[1]. Các đại diện của chủ nghĩa Thực chứng cũng cho rằng, nhà sử học có khả năng nhận thức được sự vật, hiện tượng lịch sử một cách trực tiếp, trung thành đúng như thực tế vốn có của nó. Khác với quan điểm này, các đại diện của chủ nghĩa Bất khả tri chỉ thừa nhận khả năng nhận thức được hiện tượng, nội dung bên ngoài, không thừa nhận khả năng nhận thức tận chiều sâu, bản chất của lịch sử.
Những năm 20- 30 (XX), những học giả Mỹ nổi tiếng như Ch. Beard và K. Bekker – đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa tương đối Mỹ đã nhấn mạnh tới tác động cá nhân không thể tránh khỏi của nhà sử học tới các kết quả nghiên cứu của mình, phủ nhận tính khách quan trong nhận thức lịch sử[2]. K. Bekker (1874 - 1948) đã phát triển quan niệm về bản chất chủ quan của nhận thức lịch sử, coi nhận thức lịch sử như kết quả hành động của niềm tin dựa trên sự lựa chọn tự do các sự vật và các quan niệm nghiên cứu của nhà sử học[3]. Khi nhận định về tính tương đối của nhận thức lịch sử, nhà sử học và triết học người Anh Ronbin Jhorjhe Collingwood (1888-1943) cho rằng, do những biến động liên tục trong nguồn sử liệu, trong phương pháp và các lý luận nghiên cứu lịch sử, chẳng có kết quả nhận thức lịch sử nào sẽ là cuối cùng. Do vậy, "mỗi thế hệ mới sẽ phải viết lại sử theo cách của mình, mỗi nhà sử học mới đều không thấy thoả mãn với việc đưa ra trả lời cho những câu hỏi cũ, anh ta phải xem xét lại bản thân các câu hỏi ấy”[4].
Thực tế cho thấy, nhận thức lịch sử là một vấn đề phức tạp nhất trong hệ thống lý luận của phương pháp luận sử học. Các nhà sử học mác-xít đã giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng lý luận phản ánh của V.I. Lênin khi cho rằng, nhận thức của chúng ta không phải là tấm gương phản chiếu khô cứng, thụ động thế giới bên ngoài. Nhận thức mang tính tích cực, sáng tạo, biện chứng; nhận thức là một quá trình: “Sự phản ánh của thế giới tự nhiên vào tư duy con người không được hiểu một cách “khô cứng”, “trừu tượng”, bất biến, thuận chiều, mà phải hiểu trong một quá trình vận động vĩnh viễn với sự xuất hiện của các mâu thuẫn và cách giải quyết chúng”[5].
Bản chất của quá trình nhận thức lịch sử là ở chỗ: Giữa khách thể và chủ thể nhận thức lịch sử có những quan hệ xác định. Khi nghiên cứu quá khứ, nhà nghiên cứu không nhận thức nó một cách thụ động mà đặt vào đó hàng loạt các hình dung, tưởng tượng đã hình thành, đã có sẵn, được nhà nghiên cứu tích luỹ, thu lượm từ trước. Bộ óc con người không phải là tờ giấy trắng, trên đó các cảm nhận được trải ra, mà đó là một bộ máy luôn phân tích, đánh giá, phân loại mọi thông tin nhận được theo những kênh nhất định. Điều đó giải thích tại sao cùng một sự kiện, một hiện tượng, những con người khác nhau lại nhìn thấy những nội dung khác nhau.
Trong nhận thức lịch sử, yếu tố bao trùm, quy định kết quả nhận thức là vai trò chủ quan của nhà sử học. Nhà sử học, với tư cách là chủ thể hoạt động nhận thức lịch sử luôn bị chi phối bởi những yếu tố: 1- Vị trí xã hội của người nhận thức (môi trường, quyền lợi giai cấp, chính trị, kinh tế); 2- Thái độ đối với hệ thống giá trị (mỗi người có hệ thống giá trị, quy định cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau; có giá trị phổ biến, được cả nhân loại thừa nhận; có giá trị nhóm, giai cấp, nhóm nghề nghiệp và giá trị cá nhân); 3- Tri thức và học vấn (tri thức càng được mở rộng, lịch sử càng được nhận thức đầy đủ hơn, kết quả nhận thức càng cao); 4- Tâm lý cá nhân (tô hồng, bôi đen, yêu ghét; con người khác nhau, có tâm lý khác nhau, song cần dựa trên những chuẩn mực đạo đức).
Nhà sử học sống trong xã hội, do vậy, không thể thoát ly khỏi xã hội. Chính những yếu tố kể trên ảnh hưởng đến từng giai đoạn trong quá trình nghiên cứu và nhận thức của sử gia. Trong quá trình nhận thức lịch sử, nhà sử học bị ảnh hưởng bởi quan điểm thời đại, môi trường xã hội, những quyền lợi khác nhau. Trong đánh giá, kết luận, nhà sử học bao giờ cũng thể hiện những quan điểm riêng của mình. Từ những đặc điểm như vậy, các nhà sử học và triết học thuộc nhiều trường phái khác nhau đã cho rằng, nhận thức lịch sử một cách khách quan không bao giờ đạt tới, vì trong nhận thức lịch sử luôn tồn tại tính chủ quan của tác giả. Ở đây, cần nhận thức rằng, một vài yếu tố chủ quan thường có trong các nghiên cứu lịch sử không đồng nhất với chủ nghĩa chủ quan (võ đoán cá nhân) - đây là những vấn đề khác nhau cơ bản. Trên thực tế, các nhà sử học trong công tác nghiên cứu thường bị chi phối không chỉ bởi các sở thích cá nhân, mà trước tiên là từ lợi ích khách quan của giai cấp và thế giới quan của thời đại. Nó thể hiện rõ ràng trong cách chọn đề tài nghiên cứu, cách đánh giá, nhìn nhận, thu thập , phân tích sử liệu. Trong điều kiện đa dạng của nguồn tư liệu, sử gia sẽ chọn lọc những gì mà họ cho là phù hợp, tiêu biểu, quan trọng khiến những yếu tố chủ quan trong nghiên cứu là không thể tránh khỏi, nhưng điều đó không đồng nghĩa với chủ nghĩa chủ quan và những võ đoán cá nhân. Bên cạnh đó, nếu tính khách quan được hiểu như con đường đi tới nhận thức đầy đủ, thấu đáo hiện thực lịch sử trong công việc nghiên cứu, thì tính khách quan đó là có thể đối với nhà sử học, cũng giống  như đối với các nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học khác. Còn nếu tính khách quan được hiểu như sự vô tư, không thiên vị, thì tính khách quan đó là hoàn toàn không thể, vì con người – nhà nghiên cứu không thể đứng ở phía ngược lại với lợi ích và vị trí xã hội của mình. Như vậy, nhận thức lịch sử có tính khách quan, nhưng không tuyệt đối. Khách quan của nhận thức lịch sử là khách quan của tính người, hay là sự khách quan trong nhận thức. Sự khách quan này có thể kiểm tra được thông qua việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức của nhà sử học. Vậy nhà sử học có thể đạt được tính khách quan trong nhận thức lịch sử hoặc đạt tới chân lý lịch sử ? Trước tiên, phải khẳng định rằng, chân lý sử học không giống với chân lý khách quan toàn diện, vì chân lý lịch sử chỉ phản ảnh một phần chân lý, một số phương diện, tùy thuộc vào tài liệu thu thập và trình độ phê phán, nhận thức và khai thác, xử lý, cũng như quan điểm của nhà nghiên cứu. Nói cách khác, chân lý sử học chỉ là một chân lý cục bộ hữu hạn, tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Càng lĩnh hội, nhận thức và ứng dụng đúng đắn, đa diện các phương pháp nghiên cứu lịch sử, nhà sử học càng gần đến chân lý lịch sử; và như vậy, nhận thức lịch sử có khả năng đạt tới chân lý, tuy nhiên khả năng đạt tới chân lý trong sử học luôn là tiệm cận.
3. Các cấp độ của nhận thức lịch sử
Như bất kỳ một dạng thức nào của nhận thức xã hội, nhận thức lịch sử có cấu trúc phức tạp và có các cấp độ nhận thức khác nhau. Có nhiều cách phân chia cấp độ của nhận thức lịch sử. Thông thường, người ta chia một cách tổng thể nhất thành hai cấp độ khác nhau: Nhận thức kinh nghiệm (nhận thức trực tiếp) và nhận thức lý luận (nhận thức gián tiếp).
Nhận thức kinh nghiệm (Cognitive Theoretical) là quá trình nhận thức mang lại những tri thức trực tiếp, mang tính kinh nghiệm. Chủ thể (người nghiên cứu) trực tiếp tác động vào đối tượng nhận thức (sử liệu), nhằm thu nhận được những sự kiện lịch sử chân thực, khoa học[6].
Nhận thức lý luận (Cognitive Empirical) là quá trình mang lại những tri thức mới, gián tiếp về sự liên hệ bản chất giữa các mặt khác nhau của đối tượng nghiên cứu chủ yếu thông qua phương pháp logic, từ đó lý giải, nhận thức những quy luật cơ bản[7].
Giữa hai cấp độ nhận thức này vừa có sự thống nhất, mối liên hệ chặt chẽ, vừa có sự khác biệt.
Sự thống nhất giữa nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận được quy định bởi nguồn gốc từ thực tiễn của cả hai cấp độ nhận thức. Bản thân nhà sử học và công việc nghiên cứu bị quy định bởi thực tiễn, quyền lợi giai cấp, thế giới quan của xã hội đương thời mà nhà sử học đang sống. Những yếu tố đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động nghiên cứu của nhà sử học. Sự thống nhất còn ở chỗ, các tri thức thu nhận được ở hai cấp độ đều được biểu đạt bằng ngôn ngữ trong tái tạo lại khách thể nhận thức.
Giữa hai cấp độ nhận thức còn có mối liên hệ chặt chẽ. Nó thể hiện ở cách đánh giá, giải thích sự kiện lịch sử. Sự kiện lịch sử có được không chỉ thông qua sự quan sát, theo dõi. Cần có tri thức về những vấn đề mà bản thân sự kiện đó liên quan. Sự kiện không được phát hiện một cách ngẫu nhiên, mà trước tiên nó là kết quả của nhận thức lý luận. Sử gia phải dựa trên những tri thức nhất định về đối tượng nghiên cứu (ví dụ như chủ nghĩa duy vật biện chứng như là phương pháp luận nhận thức quá trình lịch sử, phương pháp luận sử học, phương pháp nhận thức các hiện tượng xã hội…). Ở cấp độ nhận thức trực tiếp, xuất hiện những sự kiện riêng biệt cần phân nhóm, hệ thống hoá theo những tiêu chí nhất định. Điều này thực hiện được dựa trên cơ sở phân tích sử liệu. Phân tích sử liệu đòi hỏi những tri thức cần thiết. Ngoài ra, sự kiện lịch sử như là cơ sở đầu tiên của tri thức, thể hiện cái chung, tính quy luật thông qua cái riêng biệt. Sự kiện lịch sử không được hình thành bằng sự miêu tả đơn giản. Nó có được do kết quả của nhận thức lý luận về những mối liên hệ, phụ thuộc trong nền tảng của quá trình lịch sử,vì thế, hai cấp độ nhận thức có mối liên quan chặt chẽ. Nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận đan xen nhau.
Giữa hai cấp độ nhận thức không chỉ có sự thống nhất, mà còn có sự khác biệt. Trước tiên, chúng khác nhau ở khả năng xâm nhập vào bản chất của đối tượng nghiên cứu. Nhận thức kinh nghiệm có nhiệm vụ nhận thức những hiện tượng, quan hệ riêng biệt (những mặt riêng biệt của xã hội, các sự kiện lịch sử theo quan hệ niên đại, những sự kiện lịch sử riêng biệt…). Mặc dù ở cấp độ nhận thức kinh nghiệm có ghi nhận tính đều đặn, thường xuyên của sự vật, hiện tượng lịch sử, nhưng vẫn chưa đủ để chỉ ra cơ chế hoạt động của các quy luật. Nhận thức lý luận xâm nhập vào bản chất của đối tượng nghiên cứu bằng cách sắp xếp lại những tri thức có được trong quá trình nhận thức kinh nghiệm, dựa trên các phương pháp như phân tích, tổng hợp, so sánh…Từ đó, nhà sử học (chủ thể của nhận thức) có được những tri thức mới, cao hơn so với tri thức ở mức độ nhận thức kinh nghiệm. Dấu mốc phân biệt hai cấp độ nhận thức này là sự khám phá, phát hiện, mổ xẻ bản chất của đối tượng nghiên cứu. Nhận thức lý luận phát hiện được bản chất sự vật hiện tượng, nên nó được coi là cơ sở, phương tiện cho hoạt động của chủ thể, nhất là trong hoạt động cải tạo xã hội. Nhận thức lý luận đưa lại hệ thống tri thức liên hoàn, đầy đủ về quá trình lịch sử, xây dựng một bức tranh tổng quát về thế giới bên ngoài. Hai sử gia người Pháp là Sharle Victor Langlois và Sharle Seniobos cho rằng, đây là cấp độ nhận thức vô cùng quan trọng, mặc dù nó dễ bị tổn thương hơn cấp độ dựa trên quan sát trực tiếp, nhưng “chỉ có nó mới cho phép các nhà sử học xác lập được chân lý”[8].
Thứ hai, nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận còn khác nhau ở các phương pháp được sử dụng trong quá trình nhận thức lịch sử trong khi có cùng một đối tượng nhận thức. Trong quá trình nghiên cứu các sự kiện, hiện tượng lịch sử, phương pháp của nhận thức kinh nghiệm thường là miêu tả, phân tích, quan sát, so sánh, quy nạp, nhằm mục đích thu nhận những thông tin đầu tiên. Kết quả thu nhận được là các sự kiện lịch sử - đây là cơ sở cho nhận thức lý luận. Trong nhận thức lý luận, các phương pháp tổng hợp, khái quát, hệ thống hoá, logic…được sử dụng để xây dựng nên những giả thuyết, lý luận, bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của quá trình lịch sử, khám phá những quy luật của quá trình ấy. Sở dĩ có sự khác nhau trong phương pháp nghiên cứu, là vì mục đích nghiên cứu trong mỗi cấp độ nhận thức khác nhau.
Thứ ba, hai cấp độ nhận thức này còn khác nhau ở tính chất tri thức nhận được trong quá trình nghiên cứu. Kết quả của nhận thức kinh nghiệm mang tính chất nhận định, xét đoán, phán đoán, còn kết quả của nhận thức lý luận mang tính khoa học với những đoán định về mối liên hệ cơ bản, quan trọng giữa các sự kiện lịch sử, giải thích đối tượng nhận thức bằng những khái niệm đã được trừu tượng hoá. Nhận thức lý luận không chỉ đơn thuần tổng kết những tri thức đã có được ở giai đoạn nhận thức kinh nghiệm, mà còn có mục đích tìm kiếm mối liên quan hệ thống giữa các sự kiện nghiên cứu; khám phá, diễn dịch những quy luật của quá trình lịch sử.
Thứ tư, nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận còn khác nhau ở hệ thống các khái niệm được sử dụng trong quá trình nghiên cứu.
Nhận thức kinh nghiệm nhằm thu nhận thông tin về các sự kiện lịch sử trong giới hạn không gian và thời gian, nên những khái niệm thường được sử dụng là “không gian”, “thời gian”, “chung”, “riêng”. Đặc biệt, khái niệm “không gian”, “thời gian” là khái niệm cơ bản, đặc trưng, xuyên suốt quá trình nghiên cứu lịch sử, bởi vì, lịch sử là quá trình trong đó các hoạt động của con người trải theo thời gian, tồn tại trong không gian - nơi diễn ra các hoạt động giữa con người và tự nhiên; không gian lịch sử không tĩnh mà luôn luôn thay đổi.
Nhận thức lý luận nhằm đạt đến sự thấu hiểu sự vật, hiện tượng, các quan hệ có tính quy luật giữa chúng, cho nên khái niệm thường gặp trong cấp độ nhận thức này là “bản chất”, “mối liên hệ”, “quan hệ qua lại”, “mâu thuẫn”, “sự phát triển”. Cùng với các khái niệm này, phương pháp tư duy từ trừu tượng đến cụ thể cũng được sử dụng nhằm đạt tới những nhận thức lịch sử toàn diện, sâu sắc.
Thứ năm, sự khác nhau giữa hai cấp độ nhận thức còn thể hiện qua cách thức kiểm tra tri thức đã có - một bước không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu khoa học nói chung và quá trình nghiên cứu lịch sử nói riêng.
Trong khoa học lịch sử, những tri thức có được từ quá trình nhận thức kinh nghiệm được kiểm tra bằng những số liệu của sử liệu, (sự kiện lịch sử có được nhờ phân tích sử liệu). Do vậy, sự kiểm tra độ tin cậy của các thông tin trong sử liệu bằng cách thiết lập mối tương quan trực tiếp giữa phỏng đoán và phân tích sử liệu, là cần thiết. Nếu như thông tin nhận được trong quá trình phân tích sử liệu trùng hợp với bản thân sử liệu thì có nghĩa tri thức là xác thực.
Nhận thức lý luận được kiểm tra gián tiếp thông qua các sự kiện lịch sử. Sự kiện lịch sử như mắt xích nối hiện thực lịch sử với các câu trúc logic của lý luận. Sự kiện lịch sử là một bộ phận của hiện thực lịch sử.  Nhận thức lý luận có mối quan hệ tương hỗ với thực tiễn thông qua sự kiện lịch sử. Ở đây có quan hệ phụ thuộc hai chiều giữa sự kiện và lý luận: Một mặt, sự kiện điều chỉnh lý luận, lý luận được xây dựng trên cơ sở khái quát các sự kiện; mặt khác, bản thân sự kiện được sinh ra từ quá trình khái quát hoá - lý luận đã “sinh ra” sự kiện.
Bước phát triển có tính quy luật trong nhận thức lịch sử chính là quá trình chuyển hoá từ nhận thức kinh nghiệm sang nhận thức lý luận. Quá trình này được thực hiện nhờ các mâu thuẫn có tính logic xuất hiện trong quá trình nhận thức với vai trò thúc đẩy sự phát triển của nhận thức lịch sử. Quá trình chuyển hoá này được thực hiện theo sơ đồ sau: 1- Phân tích sử liệu, thu nhận được sự kiện lịch sử; 2- Mổ xẻ sự kiện lịch sử, lựa chọn, phân loại sự kiện lịch sử và tìm những mối liện hệ nguyên nhân, cơ bản giữa chúng, xác định sự kiện quan trọng loại một, cần thiết, phân biệt chúng với sự kiện loại hai, ít quan trọng hơn; 3- Sau khi xem xét các sự kiện, đưa ra những đoán định về đối tượng nghiên cứu. Ba bước này thuộc nhận thức kinh nghiệm. Tiếp theo là những bước của quá trình nhận thức lý luận: 4- Phát hiện quy luật dựa trên những tri thức của nhận thức kinh nghiệm bằng phương pháp khái quát, tổng hợp; 5- Diễn dịch quy luật, như là một bước cao hơn trong quá trình nhận thức lý luận; 6- Giải thích các sự vật, hiện tượng trên cơ sở lý luận (giải thích chúng đi đôi với khám phá bản chất các mặt cơ bản, các quy luật hoạt động của sự vật, hiện tượng, chỉ ra nguyên nhân xuất hiện)- đây cũng  là bước để thu nhận những tri thức mới; 7- Nhận được những sự kiện mới nhờ áp dụng lý luận. Đây là bước cuối cùng trong quá trình nhận thức, đi từ trừu tượng đến cụ thể, mức độ cao nhất của quá trình nhận thức.
Nhận thức lịch sử mang tính đặc thù, chỉ là một phần trong cái tổng thế, chỉ có tính tương đối trong cái tuyệt đối. Do vậy, chỉ khi kết hợp cả hai cấp độ nhận thức lịch sử, xử lý nhuần nhuyễn các thao tác khoa học trong từng cấp độ nhận thức, nhà sử học mới có thể đảm bảo tối đa tính khách quan của nhận thức lịch sử.
                                              *                     *
                                                        *
Lịch sử là một dòng chảy liên tục trên trục thời gian định hướng từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Nhận thức lịch sử trong khoa học lịch sử là nhận thức phần quá khứ trên trục thời gian đó. Hiện thực lịch sử chỉ xảy ra có một lần duy nhất, không lặp lại, nhưng nhận thức lịch sử là một quá trình, trong đó, vượt qua những tác động của các yếu tố chủ quan, nhà sử học tiến tới tiếp cận lịch sử ngày càng khách quan, trung thực, gần với sự thật nhất trong khả năng có thể. Đây không chỉ là mong muốn, ước vọng, mục tiêu, mà còn là nguyên tắc phương pháp luận nghiên cứu và nguyên tắc đạo đức của nhà sử học. Đó cũng là  yêu cầu và giá trị của nhận thức lịch sử mà nhà sử học mang lại. Với sứ mệnh làm quá khứ sống lại trong hiện tại và tăng thêm sức mạnh cho hiện tại, hướng tới tương lai, nhà sử học cần hết sức cảnh giác với tư tưởng chủ quan, duy ý chí, phải thoát khỏi vòng vây của duy lý, duy cảm, duy tình để phục dựng lại lịch sử trên cơ sở các sự kiện và sự thật.

[1] N.A.Êropheep, Lịch sử là gì? Nxb. Khoa học,  Matxcova, 1976, tr. 75.
[2] L.P.Repina; V.V.Zvereva; M.I. Paramonova, Lịch sử tri thức sử học, Matxcova, 2004, tr. 209.
[3] Beard Ch. A. Written History as an Act of Faith// American Historical Review. 1934. Vol. 30. P. 219.
[4] L.P.Repina; V.V.Zvereva; M.I. Paramonova, Lịch sử tri thức sử học, Sđd, tr. 215.
[5] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Matxcova, 1979, tập 29. tr. 177.
[6]U.B. Petrôv, Thực tiễn và khoa học lịch sử , Nxb. Tômsk, 1981, tr. 314.
[7] U.B. Petrôv, Thực tiễn và khoa học lịch sử, Sđd, tr. 315.
[8] Langlois Sh. Seniobos, Nhập môn nghiên cứu sử học, SPb, 1899. tr. 96.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét