Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

CÁCH VIẾT BÀI BÁO KHOA HỌC


Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Viết một bài báo tốt là một việc làm không đơn giản chút nào, nếu không muốn nói là phức tạp. Nó đòi hỏi người viết phải vắt óc suy nghĩ. Viết cần phải có thời gian và phải có ý tưởng khoa học và sáng tạo.
1. Mục đích viết bài và  yêu cầu về bài báo
- Viết nhằm giải quyết, truyền đạt một thông điệp khoa học nào đó.
- Được độc giả hưởng ứng
- Nội dung bài báo rõ ràng, chính xác và súc tích (vì hiện nay lượng ấn phẩm lớn, thông tin nhiều, độc giả hay chọn đọc theo thương hiệu).

- Ba tiêu chuẩn chất lượng một bài báo khoa học
+ Giá trị khoa học;
+ Chất lượng của sự trình bày khoa học;
+ Sử dụng thành thạo thứ ngôn ngữ dùng viết báo khoa học.
2. Cấu trúc bài báo khoa học
Phác họa cấu trúc của một bài báo trước khi đặt bút viết là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó, sự ngắn gọn, cô đọng, súc tích là một đảm bảo cho thành công của bài báo. Câu văn cần phải ngắn gọn, đơn giản, nhưng chính xác và trực tiếp đi thẳng vào vấn đề. Cũng cần phải nhận thức rằng, có được một bài báo khúc chiết như thế không phải là điều dễ dàng chút nào - nó đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và suy nghĩ. Một bài báo khoa học hay cần phải được cấu trúc gọn gàng. Mỗi đoạn văn cần phải có một mục đích hay nói lên được một ý tưởng. Mỗi câu văn phải phục vụ cho mục đích đó. Các đoạn văn phải liên kết với nhau thành một chuỗi ý tưởng phản ánh lý luận cho một thông điệp nào đó.
Cấu trúc thông thường của một bài báo là: Dẫn nhập, nội dung và kết luận. Ngoài ra, nhiều tạp chí đòi hỏi thêm Tóm tắt (summary)
2.1. Tóm tắt (Summary or Abstract)
- Phần tóm tắt là phần được đọc nhiều nhất của bài báo, nhất là từ khi tóm tắt có thể được dễ dàng tìm thấy do đưa vào hệ thống tin học. Người đọc sau khi đọc tên bài báo, tên tác giả sẽ đọc tóm tắt trước khi quyết định có đọc toàn bài báo không. Đọc một bài tóm tắt viết tốt là đủ để thu được hiểu biết về những kết quả chủ yếu của bài báo.  Mục đích của phần tóm tắt là giúp độc giả nhận biết bài viết có phù hợp với đề tài mình họ đang quan tâm không. Có thể xem đây như lời giới thiệu ngắn (brief introduction) về bài viết.
- Bản tóm tắt có thể được in lại ở nhiều tài liệu cùng với tên bài mà không phải toàn bài. Vì lẽ đó, phần tóm tắt tự bản thân nó phải hiểu được nghĩa là đứng độc lập với bài báo.
- Tóm tắt một báo cáo kết quả nghiên cứu phải có tính thông tin. Việc xây dựng tóm tắt phải đáp ứng bốn yêu cầu cơ bản của bài báo:
+ Tại sao công trình được thực hiện?
+ Công trình đã được thực hiện như thế nào?
+ Đã tìm thấy cái gì?
+ Đã rút ra được kết luận hay khái quát gì?
- Lời đáp cho mỗi yêu cầu này phải gói gọn trong một hay hai câu:
+ Câu đầu tiên của phần tóm tắt trình bày ý tưởng chủ yếu của phần Đặt vấn đề. Câu này không được nhắc lại tên bài báo.
+ Câu thứ hai trình bày ngắn gọn phương pháp nghiên cứu.
+ Kết quả cụ thể với các số liệu cũng như kết quả của các phép tính thống kê được trình bày trong vài câu cùng câu kết chứa kết luận của bài báo.
+ Phần tóm tắt không được chứa các thông tin đòi hỏi tài liệu tham khảo, các bảng biểu, chú thích hay thậm chí cả chữ viết tắt khi chúng chỉ được giải thích trong bài báo.
- Đôi khi trong phần hướng dẫn cho tác giả của tạp chí chỉ rõ độ dài của tóm tắt. Thông thường phần này khoảng từ 100 đến 150 từ.Yêu cầu tối đa là 200, 250 đến 300 từ.
- Những sai lầm ở phần tóm tắt:
+ Đưa ra các kết quả không có trong bài báo.
+ Đưa ra thông tin quá sơ lược.
+ Không nên sử dụng chữ viết tắt trong phần tóm tắt, trừ khi chữ viết tắt đó được sử dụng ít nhất từ ba đến bốn lần. Phải giải thích chữ viết tắt ở lần sử dụng đầu tiên trong tóm tắt ngay cả khi ý nghĩa của nó có vẻ đương nhiên và đã được giải thích trong phần nội dung bài
2.2. Dẫn nhập (mở đầu, giới thiệu, đặt vấn đề)
- "Nhiệm vụ" thiết yếu nhất trong phần dẫn nhập là phải làm cho người đọc tiếp nhận và quan tâm đến bài báo. Hơn nữa, phần dẫn nhập còn giúp cho người biên tập bài báo hay Tổng biên tập Tạp chí thẩm định tầm quan trọng của nó. Trong phần dẫn nhập, Trong phần này, tác giả giới thiệu về vấn đề nghiên cứu,  phác thảo mục tiêu nghiên cứu. Mục này sẽ đạt yêu cầu nếu trả lời được những câu hỏi như: (1) Lý do thực hiện nghiên cứu này? (2) Mục đích chính của nghiên cứu là gì?
- Dẫn nhập là phần quan trọng, cần viết gọn, những đủ, gây ấn tượng.
Đoạn mở đầu quyết định hướng và giọng văn của bài
+ Không chỉ có nhiệm vụ giới thiệu chủ đề, mà đoạn mở bài còn có nhiệm vụ xác định cách người viết sẽ phát triển bài viết theo hướng nào. Nếu đoạn mở đầu tốt, người viết sẽ hướng được người đọc vào bài viết. Nên chăm chút đoạn mở đầu vì một đoạn mở bài tốt rất có hiệu quả lớn.
+ Nên dùng các động từ dưới thể chủ động
Thể chủ động có hiệu quả hơn nhiều và nên áp dụng với tất cả các câu trong đoạn mở bài. Và nên nhớ: trừ phi đang viết một bài tự thuật, còn không thì không nên dùng đại từ "Tôi".
+ Đa dạng các mẫu, cấu trúc câu
Xem kĩ để tránh việc dùng một mẫu câu đơn điệu (luôn bắt đầu câu bằng chủ ngữ của câu)
+ Hãy luyện viết đoạn mở đầu nhiều lần, với các chủ đề khác nhau.
Kể cả nếu không sử dụng, thì người viết cũng có có thể dùng những bài luyện đã viết  để đối chiếu và so sánh những bài đang viết và kĩ năng viết hiện tại của mình.
2.3. Thân bài (nội dung)
- Đây là phần quan trọng nhất, trong đó tác giả bài viết thể hiện một cách đầy đủ nhất khả năng nghiên cứu, tư duy độc lập của mình. Phần này, tác giả mổ xẻ, phân tích chứng minh mọi chiều cạnh của vấn đề nghiên cứu được thể hiện ở tiêu đề của bài báo.
- Do phải mổ xẻ mọi chiều cạnh của vấn đề nghiên cứu, nên thân bài thường là tổng hợp của hàng loạt nội dung khác nhau; mỗi nội dung xoáy sâu vào một chiều cạnh, nhưng nằm trong một logic chặt chẽ, kết nối hợp lý. Cần tập trung viết, phân tích cụ thể về các dẫn chứng hoặc vấn đề được đưa ra.
- Phần thân bài tác giả có thể tìm "điểm nhấn" cho bài viết ở góc độ tiếp cận, soi chiếu, hoặc những phát hiện mới về nội dung khoa học.
- Giữa các phần có chuyển ý để bắt đầu viết về các ý lớn của bài.
- Mỗi đoạn phải nối ý các đoạn trước và sau.
- Đa dạng cấu trúc câu, từ ngữ (tránh lặp lại các đại từ, tránh viết câu một kiểu như: Chủ ngữ + Vị ngữ + Tân ngữ) vì cách đó rất đơn điệu)
- Thực ra, để viết một đoạn thân bài hiệu quả là khá khó. Rất khó đảm bảo rằng người đọc đã hiểu thấu ý mà người viết muốn chuyển tải.
Lưu ý:
- Một bài viết nghiên cứu không phải là một bài luận, xã luận hay một câu chuyện, nên các dữ kiện, thông tin cần phải được ghi chép, xác nhận. Nên thận trọng với những tổng quát hóa đã có; người viết phải cố gắng khách quan trong việc tìm hiểu thông tin, xác định, điều tra thông tin, dữ kiện.
2.4. Kết bài (kết luận, thay lời kết)
 - Nhắc lại ý của đoạn mở bài bằng cách diễn đạt khác, trong đó kết quả nghiên cứu phải được khẳng định; hoặc cũng có thể sử dụng kết quả nghiên cứu để soi rọi, vận dụng vào thực tiễn (ôn cố tri tân). Cũng có thể tóm tắt nội dung đã được trình bày, luận giải trong cả bài bằng một chút "chắc chắn", ví dụ như một câu trích hoặc ý kiến ủng hộ của ai đó. Đoạn kết bài phải khiến cho người đọc không một chút nghi ngờ nào về lập trường, và ý kiến của người viết.
3. Biên tập bài báo
3.1. Yêu cầu chung về biên tập
- Kiểm tra chính tả và ngữ pháp (các thì của động từ, chủ ngữ-động từ phải chặt chẽ, kiểm tra các sai sót chính tả, kỹ thuật).
- Kiểm tra tính logic của toàn bài (các ý có chắc chắn và logic chưa? tránh việc lập ý không chặt chẽ, hoặc là cho quá nhiều chi tiết cũng chưa chắc là hiệu quả, chi tiết nên chắt lọc, nên chọn chi tiêt, sự kiện tiêu biểu, đắt giá).
- Kiểm tra từng câu một.
- Nhờ một người khác kiểm tra hộ và nhận xét bài viết.
3.2. Tự biên tập
Mỗi bài viết đều phải có một “khoảng lặng” nhất định để tác giả tự thẩm định, tự nhìn lại những điều mình đã viết. Do vậy, không nên hấp tấp, vội vàng công bố (gửi bài đi) sau khi viết. Sau khi viết xong bản thảo, có thể để đó vài ngày hay vài tuần, đọc lại và xem xét những chi tiết nào cần thêm hay cần lược bớt. Đọc đi đọc lại với một cách nhìn mới để xem có gì cần phải phân tích thêm hay không, hay cách diễn dịch số liệu có hợp lý hay không. Kiểm tra lại cách viết và các đoạn văn có ăn khớp với nhau hay không, câu văn có trôi chảy hay không... Sau đó là xem xét đến những chi tiết. ở đây có hai điểm quan trọng cần phải để ý: Thứ nhất, kiểm tra tính nhất quán (cả số liệu hay dữ kiện và các chú thích phải nhất quán với văn bản, bảng thống kê và biểu đồ); thứ hai, loại bỏ "nhiễu" - tức là những điểm lặp đi lặp lại hay những điểm làm cho người đọc sao lãng thông điệp chính trong bài báo. Có khi cần phải kiểm tra từng chữ một xem nó có thích hợp với mục đích của bài báo hay không. Tránh dùng những từ tối nghĩa, những biệt ngữ khó hiểu, hay những viết tắt mà người ngoài chuyên môn chưa quen biết.
3.3. Nhờ biên tập
Những bài báo khoa học có giá trị thường là những bài báo đã được xem xét và duyệt đi duyệt lại nhiều lần, kể cả những lần phản hồi (response) hay phản biện lại những phê bình của những người bình duyệt. Chính vì thế cần biên tập rất cẩn trọng. Sự cần thiết phải nhờ biên tập là ở chỗ, dù tác giả có cẩn thận mấy, và bất kể bao nhiêu lần đọc đi đọc lại, rà soát, xác suất bài báo có ít nhất là một sai lầm hay lỗi nhỏ đều rất cao. Một cá nhân rất khó mà phát hiện tất cả các lỗi của chính mình. Điều này đòi hỏi bài báo, trước khi gửi đến một tạp chí, phải được các đồng nghiệp nội bộ đọc và phê bình. Tác giả không nên ngần ngại tiếp nhận những phê bình gay gắt từ đồng nghiệp. Để làm việc này, tác giả cần phải có một danh sách những đồng nghiệp có thể duyệt bài. Những đồng nghiệp này không hẳn phải là những tên tuổi lớn mà có thể là những người có kiến thức và kỹ năng viết, biết chuẩn ngữ pháp tiếng Việt. Những người biên tập bài lý tưởng là người có cùng chuyên môn, có nỗ lực suy nghĩ, có khả năng "soi mói" chi tiết, tư duy phản biện và tính cẩn thận.
4. Các nguyên tắc phổ biến cần tuân thủ trong viết báo khoa học
Các nguyên tắc viết báo khoa học không phải là tự nhiên mà có. Để biết đọc thì chỉ biết các chữ cái thôi chưa đủ; cũng như vậy, để viết đúng một bài báo khoa học thì việc biết viết bằng một thứ ngôn ngữ nào đó vẫn chưa đủ, mà sự biểu đạt bằng ngôn ngữ phải tuân thủ. những nguyên tắc viết. Đó là những nguyên tắc:
4.1. Chặt chẽ, chính xác
- Nguyên tắc chính: Sử dụng tốt thì của động từ, sử dụng chính xác, đang dạng danh từ, tính từ, sử dụng hợp lý trạng từ, trạng ngữ, tu từ, loại bỏ những kiểu diễn đạt hoa mỹ, những biểu hiện có tính cảm tính, những thể bị động không cần thiết. 
 - Loại bỏ cách dùng từ trống rỗng (khá đủ, quá đủ, quá thường, hiếm khi...); những đại từ trống rỗng (vô cùng lớn, cực kỳ..); những diễn đạt cảm tính (hình như là, có khả năng là...).
4.2. Sáng sủa
 - Viết bằng một ngôn ngữ sao cho đơn giản và rõ ràng
- Loại bỏ cách diễn đạt văn hoa không có nghĩa là loại bỏ chất “văn trong luận". “Văn trong luận" là cách viết uyển chuyển, có sắc thái, phong phú, đa dạng về từ ngữ, văn phong sáng sủa, mạch lạc.
- Viết “văn trong luận" có nghĩa là không dùng một từ nhiều lần liên tục, gần nhau, ngoại trừ khi muốn tạo ra những tác dụng lặp lại. Vì vậy, nên dùng các từ đồng dạng (từ đồng nghĩa).
4.3. Súc tích
Loại bỏ những diễn đạt trống rỗng, ví dụ như:
- "Có lẽ có ích khi lưu ý rằng..."
- "Thật đúng lúc chỉ ra rằng..."
- "Thật là diều rất thú vị khi chỉ ra rằng..."
- "Có một số điểm có vẻ đáng để chúng ta thảo luận..."
- "Chúng tôi muốn kêu gọi sự chú ý tới sự kiện..."
Loại bỏ từ ngữ rườm ra, thừa:
- "Tuyệt đối" bình thường.
Tránh lặp lại
- Sự lặp lại một sự kiện hay một ý tưởng đi ngược lại nguyên tắc súc tích.
- Chỉ có một sự lặp lại là được phép và thậm chí là cần thiết đó là nội dung của phần tóm tắt tương quan với bài báo. Ngoài trường hợp đặc biệt này ra phải tránh lặp lại.
- Không nhắc lại câu đầu tiên của đầu đề trong phần tóm tắt.
- Không nhắc lại các kết quả trong phần bàn luận.
- Không nhắc lại các đoạn của phần đặt vấn đề trong phần bàn luận.
- Không phải khi nào cũng dễ tránh được sự lặp lại, vì vậy cần cân nhắc xem một điều nên nói ở phần đặt vấn đề hay phần bàn luận thì có lợi hơn. Tất nhiên có thể cụ thể hoá trong phần bàn luận những điều đã gợi ra ở phần đặt vấn đề.
4.4. Sự tĩnh lược
- Sự súc tích thái quá dẫn tới việc lược bớt những từ hay ý tưởng bắt buộc phải có để có thể hiểu được câu văn hay nội dung bài.
- Sự quá ngắn gọn làm hỏng tính sáng sủa của một bản trình bày khoa học.
- Sự rút gọn thái quá trong một báo cáo khoa học có thể so sánh với một cái thang thỉnh thoảng lại bị thiếu một bậc. Nhà khoa học phải trình bày từng giai đoạn lý luận của mình để độc giả tránh phải suy diễn ngay cả khi một số giai đoạn có vẻ là tất yếu.
- Sự tĩnh lược là lược bỏ có nguyên tắc, đảm bảo tính logic, vẫn đầy đủ thông tin. Tĩnh lược là giai đoạn cuối cùng, khi bài báo đã được viết xong. Tĩnh lược là đảm bảo cho bài báo tuân thủ được nguyên tắc: Chặt chẽ, sáng sủa, súc tích.
5. Một số vấn đề lưu ý khi viết bài báo khoa học
5.1. Viết báo khoa học và việc sử dụng tốt ngôn ngữ
- Tôn trọng quy tắc ngữ pháp (dù viết bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, tránh câu không rõ nghĩa, câu què, câu cụt, câu vô nghĩa...).
- Chặt chẽ, sáng sủa, súc tích
+ Khi một tác giả băn khoăn về cách viết một câu, một đoạn hay một chương nào đó, người đó phải trả lời được 3 câu hỏi sau đây:
Dạng thức nào thích hợp nhất với ý tưởng và hiện tượng mà ta muốn trình bày?
Kiểu diễn đạt nào là đơn giản và rõ ràng nhất cho người đọc?
Kiểu diễn đạt nào súc tích nhất?
- Lưu ý: Ba câu hỏi này có tầm quan trọng giảm dần: Đừng hy sinh sự chặt chẽ cho lối hành văn sáng sủa, cũng như không hy sinh sáng sủa cho sự súc tích.
5.2. Cách đặt tiêu đề bài báo
Các loại tiêu đề
- Có hai loại tiêu đề (tít): Chính (đề bài) + tiêu đề phụ
- Tiêu đề chính phản ánh nội dung chính của bài viết. Một tựa bài tốt không phải nhằm mục đích lôi cuốn hấp dẫn độc giả mà là đề cập thẳng vấn đề muốn giải quyết và dùng những từ chủ yếu (keywords) để những ai nghiên cứu trong cùng một lĩnh vực có thể nhận biết được.
- Một quy tắc chung cho khi đặt tiêu đề là nó phải chứa các từ khoá mô tả công việc định trình bày.
- Tiêu đề chính (đầu đề bài báo) phải được đặt đặc biệt cẩn thận và trau chuốt. Vì độc giả quyết định đọc bài báo hay không nhiều khi ở đầu đề bài báo. Viết một đầu đề tốt là một nhiệm vụ khó khăn nhưng là việc bắt buộc phải làm.
- Đầu đề bài báo phải nói lên nội dung của bài báo với sự chính xác và súc tích nhất. Đầu đề bài báo cùng với phần Tóm tắt phải tạo thành một cấu trúc hoàn toàn độc lập với phần còn lại của bài báo, nhưng phải phản ánh chính xác nội dung của toàn bài báo. Phần tựa  đề và tóm tắt có thể so sánh với một bài báo được viết trên một tấm bưu thiếp
Yêu cầu chung về Tiêu đề
- Một đầu đề phải tránh hai khuynh hướng:
+ Quá ngắn gọn, có nguy cơ không phản ánh được nội dung, đặc trưng của bài báo. Đầu đề khoảng từ 10- 15 từ là đủ.
+ Quá chi tiết, có nguy cơ quá dài. Những đầu đề chi tiết tạo ra sự rất cụ thể, nhưng số từ được sử dụng vượt quá 20 từ rất khó đọc.
Không đưa vào đầu đề những từ không mang thông tin: Tác dụng của ...;  Những hiểu biết mới đây về...;  Nhân ... ; Nhận xét về... ; Đóng góp vào nghiên cứu... ; Vấn đề của... ; Nhìn lại về...  Tiêu đề nên ngắn, trực tiếp, loại trừ những chi tiết phụ, rườm ra, đi thẳng vào vấn đề chính.
- Thường nên dùng một văn phong trung tính không khẳng định kiên quyết (tuy nhiên những bài kỷ niệm có thể dùng tiêu đề khẳng định). Một tiêu đề thông dụng, tốt là phải sáng sủa, dễ hiểu, dùng những từ đơn giản, cụ thể, đặc trưng, không có tính gợi ý. Nên dùng những từ mạnh, đắt, liên quan trực tiếp đến bài viết. Tíêu đề phải thích hợp, độc đáo, riêng biệt, không lặp lại.
- Có những đầu đề tìm cách gợi sự tò mò ở người đọc- cách đặt tiêu đề kiểu này cũng được chấp nhận, song không hợp với bài nghiên cứu lắm.
- Tiêu đề phụ ít nhất là từ 2 tiêu đề trở lên; không nên quá nhiều tiêu đề phụ (nhiều nhất là 4), vì số lượng tiêu đề nhiều, vấn đề nghiên cứu dễ bị dàn trải
- Không được viết tắt Tiêu đề.
- Tiêu đề phải được định dạng để có thể phân biệt, nổi bật (vấn đề kỹ thuật vi tính).
+ Không dùng dấu câu trong Tiêu đề (trừ dấu hai chấm, song cũng rất hạn chế. Dấu gạch ngang thường được dùng, thậm chí thông dụng).
- Một số đầu đề khác có cấu trúc phức tạp. Nó bao gồm sự pha trộn các văn phong: Dạng hỏi, phụ đề, dạng hỏi-trả lời. Chúng tôi không khuyên kiểu trình bày đó. Nếu đầu đề bắt buộc phải phức tạp, không nghi ngờ gì nữa bài báo đáng được chia ra thành nhiều bài riêng biệt.
Chức năng của Tiêu đề
- Tiêu đề chính:
+ Thu hút sự chú ý của người đọc;
+ Cung cấp thông tin chính của bài, phản ánh nội dung bài viết;
+ Giúp người đọc lựa chọn chủ đề cần đọc qua một cái liếc mắt;
- Tiêu đề phụ:
+ Bổ sung cho tiêu đề chính
+ Mang tính định vị cụ thể
+ Giúp triển khai ý tưởng của bài viết.
+ Nhiều tiêu đề phụ hợp lại đóng vai trò của một dàn ý hoàn chỉnh
- Lưu ý:
+ Trong quá trình đọc, có những tiêu đề và cách đặt tiêu đề hay, lạ, mới, nhớ ghi lại để học tập.
+ Có loại bài báo không có tiêu đề, viết liền một mạch, người đọc tự tìm vấn đề nghiên cứu và cách giải quyết vấn đề của tác giả. Cách này không có gì sai, song không hay.
+ Có loại bài không có tiêu đề song đánh số bố cục (giải quyết vấn đề) bằng số: 1,2,3... Cách này thông dụng, cũng được, không đòi hỏi đầu tư nhiều cho tiêu đề. Cách này an toàn, vì đặt tiêu đề là việc khó, rất dễ như con dao hai lưỡi.
6. Kết luận
Các tác giả là trước khi gửi một bài báo tới một tạp chí, hãy đọc lại bốn lần, mỗi lần có một mục đích rõ ràng. Có thể liệt kê  4 mục đích, cho 4 lần đọc:
1) Kết cấu đã có của bài đã là tối ưu chưa? Các tiêu đề (nếu có- nên có) đã chau chuốt và chuẩn xác?
2) Loại bỏ các danh từ, tính từ, đại từ trống rỗng, không có vai trò.
3) Kiểm tra sự liên quan giữa các số liệu, sự kiện trong bài, các bảng, các biểu đồ.
4) Sử dụng đúng từ ngữ. Tự hỏi xem liệu các danh từ, các tính từ, các đại từ và động từ được sử dụng liệu có dễ hiều, biểu đạt đầy đủ ý tưởng của mình hay chưa? Có những từ ngữ nào có thể gây sự hiểu lầm vì tính đa nghĩa?

Có thể Dowload tại địa chỉ: Mục Phương pháp, Trang Web TRI THỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét