Khi xem xét, đánh giá về một công
trình khoa học, bên cạnh giá trị về nội dung, tư tưởng và tư liệu, còn cần chú
ý tới giá trị về hình thức và văn phong trình bày, diễn đạt. Người xưa từng
nói: “Văn dĩ tải đạo”. Những ý tưởng, những luận điểm, những nội dung khoa học
chứa đựng trong mỗi công trình (tác phẩm), nếu không tìm ra một hình thức trình
bày, không sử dụng một văn phong biểu đạt phù hợp thì giá trị công trình (tác
phẩm), vì thế, có thể sẽ bị giảm đi đáng kể.
1. Yêu cầu về hình thức của
một công trình khoa học
Thông thường, hình thức thể hiện một
công trình khoa học phải đáp ứng được yêu cầu: hình thức phải đảm bảo tối ưu
cho việc trình bày rõ ràng, đầy đủ toàn bộ các vấn đề thuộc về nội dung
của công trình. Muốn thế, điều có ý nghĩa quyết định đầu tiên là kết cấu
(bố cục), tức là cấu trúc của công trình. Kết cấu đó phải gọn, rõ, logíc, ôm
trùm và chuyển tải được toàn bộ nội dung mà công trình có nhiệm vụ đề cập, giải
quyết. Về “ngoại hình”, mỗi công trình khoa học được trình bày (tổ chức) theo
một kiểu cách tạm gọi là “mô hình” như sau:
1.1. Phần mở đầu
Ở phần này (có thể) gồm các bộ phận như sau:
- Đối với các cuốn sách:
Lời giới thiệu (của nhà xuất bản hoặc của cá nhân có uy tín trong lĩnh vực
mà công trình đề cập) hoặc Lời nói đầu (hoặc mở đầu; một số chuyên khảo
còn viết “Dẫn nhập”, “Lời vào sách”...). Tuỳ thuộc vào
từng công trình, từng loại công trình mà Lời nói đầu đề cập tới những
vấn đề cụ thể.
- Đối với các đề tài khoa học, luận
văn, luận án
+ Lý do chọn đề tài: trình
bày tính cấp thiết của đề tài và và ý nghĩa (khoa học, thực tiễn) của đề tài
đó;
+ Lịch sử nghiên cứu vấn đề:
trình bày tình hình nghiên cứu và những kết quả mà các công trình, các tác giả
đI trước đã đạt được về lĩnh vực liên quan (trực tiếp) tới đề tài; các vấn đề
khoa học liên quan đã được các tác giả đi trước giải quyết và các vấn đề hiện
đang đặt ra;
+ Đối tượng, Mục đích, nhiệm vụ, phạm vi (về mặt không gian,
thời gian, về nội dung khoa học chính) đề cập, nghiên cứu của đề tài;
+ Nguồn tài liệu và phương pháp
nghiên cứu (thường được nêu ở các chuyên luận, chuyên khảo, luận án, luận
văn..).
+ Đóng góp mới
+ Bố cục tổng quát
- Cũng có công trình phần mở đầu để
giới thiệu tổng quát toàn bộ chủ định, toàn bộ
nội dung sẽ được làm rõ; những thuận lợi và khó khăn đặt ra trong việc thực
hiện đề tài…
1.2. Phần nội dung công trình
Đây là phần chính của một công trình
khoa học. Tuỳ theo thể loại đề tài (và đi liền với nó là vận dụng các phương
pháp nghiên cứu tương ứng) mà mỗi loại công trình có một trong những hình thức
thể hiện (hình thức trình bày) sau đây:
- Trình bày theo hệ thống lịch sử (chủ yếu vận dụng phương pháp lịch
sử). Đây là hình thức phổ biến của các công trình khi viết về thực trạng của
vấn đề nghiên cứu. Các công trình này lấy yếu tố thời gian làm trục chính, dùng
phân kỳ lịch sử của đối tượng nghiên cứu để tổ chức thành các nội
dung nghiên cứu thích ứng.
- Trình bày theo hệ thống vấn đề (theo logíc các mối quan hệ giữa các
vấn đề, và vì vậy, sử dụng phương pháp logíc là chủ yếu). Đây là hình thức phổ
biến của các công trình thuộc loại chuyên luận, chuyên khảo, luận án, luận văn
khoa học. Các công trình này cũng được tổ chức thành các phần, chương, mục,
tiểu mục nhưng không lấy trục thời gian để phân
kỳ mà theo cụm vấn đề, vấn đề; theo logíc các mối quan hệ giữa các vấn đề để
phân chia.
+ Kết hợp giữa hai hệ thống (chủ yếu vận dụng kết hợp giữa hai phương
pháp lịch sử và logíc). Đây là hình thức phổ biến của các công trình khoa học,
thể hiện mối liên hệ logic giữa phần thực trạng và phương hướng, giải pháp.
Thông thường, mục đích của cách giải quyết vấn đề thuộc loại này là sau khi mô
tả, phân tích thực trạng của vấn đề nghiên cứu, tác giả đi vào luận giải, phân
tích, đánh giá, khái quát các nội dung cần tổng kết; làm cơ sở để chỉ ra phương
hướng và giải pháp.
1.3. Phần kết luận (cũng có công trình ghi là:“Vĩ thanh”, “Tạm kết”, “Dẫn
xuất”…)
Tuỳ thuộc từng công trình, từng loại
công trình mà nội dung và cách thức trình bày phần này khác nhau. Tựu trung, ở
phần kết luận, phải khái quát toàn bộ những vấn đề mà phần nội dung của công
trình đã đề cập, đã giải quyết; nâng lên thành lý luận những vấn đề đã được
trình bày, giảI quyết ở phần nội dung chính; đề xuất những phương hướng hoặc
giải pháp…
1.4. Phụ lục, danh mục tài liệu tham khảo
Ở phần này, các công trình khoa học
thường đưa ra các tài liệu, tư liệu, con số và sự kiện liên quan tới chủ đề của
công trình mà ở phần nội dung chưa có dịp trình bày, đề cập (ví dụ các tài liệu
liên quan đến nội dung nghiên cứu, các bảng biểu thống kê, các sơ đồ, biểu
đồ…).
Danh mục tài liệu tham khảo (tiếng
Việt và tiếng nước ngoài) thường được sắp xếp theo trình tự “An pha B”, cung
cấp cho người đọc hệ thống thư mục các công trình, bài báo, tài liệu liên quan
tới chủ đề công trình.
2. Bút pháp của một công trình khoa học
Bút
pháp, hiểu một cách chung nhất, là cách
thức sử dụng ngôn ngữ để phản ánh tư tưởng, nội dung, ý nghĩa…trong các tác
phẩm (thuộc các loại hình văn học - nghệ thuật hoặc khoa học).
Bút
pháp của một công trình khoa học là
bút pháp khoa học. Điều đó đòi hỏi ở mỗi công trình khoa học ngôn ngữ, văn
phong biểu đạt phải:
Đạt tính chuẩn xác: phản ánh đúng, đầy đủ nội dung, tư tưởng (khoa học) mà nó
có nhiệm vụ biểu đạt. Điều đó đòi hỏi người viết phải sử dụng hệ thống khái
niệm tương ứng với đối tượng nghiên cứu một cách phù hợp, có hiệu quả; ngôn
ngữ, văn phong phải chuẩn xác tạo ra sự rõ ràng, súc tích, chặt chẽ, dễ hiểu;
giúp người đọc nắm bắt được nội dung, tư tưởng khoa học chứa đựng trong công
trình một cách đầy đủ, nhanh chóng, chính xác. Cần tránh lối biểu đạt mập mờ,
“nước đôi” và trong nhiều trường hợp, cần tránh bộc lộ tình cảm cá nhân của người viết một cách thái quá, gây cảm giác
thiên vị, chủ quan (nhất là trong phần mô tả, phân tích thực trạng của vấn đề
nghiên cứu).
Giàu lượng thông tin: chứa đựng, chuyển tải được nhiều thông tin khoa học thuộc
về hoặc liên quan tới phạm vi đề cập, tới lĩnh vực xem xét giải quyết của công
trình trong một đơn vị ngôn ngữ (từ ngữ, câu, đoạn...) tối giản. Nói cách khác,
với một số chữ ít nhất, người đọc chỉ mất một thời lượng ngắn nhất để thâu nhận
được một lượng thông tin (khoa học) nhiều nhất trong mỗi trang viết của công
trình. Một cách đơn giản, câu văn, đoạn văn phải chứa chặt lượng thông tin mà
tác giả cần chuyển tải tới người đọc.
Những yêu cầu đặt ra trên đây về
thực chất và trên thực tế, không hề mâu thuẫn, càng không hề phủ nhận một
“thuộc tính” khác trên bình diện bút pháp của một công trình khoa học: đó là khả
năng biểu cảm, biểu đạt phong phú,
sinh động, nhằm góp phần tạo ra và làm tăng tính hấp dẫn của công trình,
khắc phục được tình trạng khô khan, “vô hồn” mà nhiều công trình khoa học
thường mắc phải khi trình bày các sự kiện, hiện tượng cũng như khi lập luận, lý
giải, khái quát hoặc trình bày các luận điểm, luận chứng, luận cứ khoa học vốn
trừu tượng, khô khan, nặng nề… Vấn đề đặt ra là khi sử dụng từ ngữ, phải bảo
đảm sự chừng mực, tính khách quan, tính xác thực của những thông tin mà tác giả
muốn thể hiện.
Liên quan chặt chẽ tới bút pháp của
một công trình khoa học là phương pháp trình bày. Ở khía cạnh này, miêu
tả và khái quát được xem là hai phương pháp chính thuộc về phương pháp trình
bày một công trình khoa học.
Miêu tả là phương pháp được sử dụng khi trình bày, khắc họa thực
trạng của vấn đề nghiên cứu. Sử dụng phương pháp này cho phép nhà nghiên cứu
tái hiện hiện thực với đầy đủ tính phong phú, đa dạng, đa chiều như nó vốn thế.
Khi sử dụng phương pháp thể hiện này, yêu cầu đặt ra là phải dựng lại đúng thực
trạng của vấn đề nghiên cứu trên mọi chiều cạnh của nó, song đồng thời phải
chọn lọc chi tiết, có định hướng, tránh lan man, dàn trải.
Khái quát là phương pháp được sử dụng khi trình bày bản chất, quy
luật vận động của hiện thực; qua đó, (có thể) luận đoán khuynh hướng phát triển
tất yếu của các sự kiện, vấn đề nghiên cứu trong tương lai. Nói cách khác, nếu
phương pháp miêu tả là nhằm tái hiện lại thực trạng của đối tượng, vấn đề
nghiên cứu, thì khái quát lại có mục đích nêu bật “thần thái” của đối tượng ấy.
Yêu cầu đặt ra cho phương pháp này là phải bám sát nội dung nghiên cứu mà tiến
hành khái quát. Muốn vậy người viết ngoài khả năng về ngôn ngữ, còn phải nắm
vững và vận dụng sáng tạo, linh hoạt hệ thống khái niệm chuyên ngành liên quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét