Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

GIẢNG DẠY CÁC MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ GẮN VỚI THỰC TIỄN – MỘT VÀI KHUYẾN NGHỊ

Nguyễn Thị Mai Hoa
Giáo dục với tư cách là một hiện tượng xã hội đã xuất hiện và tồn tại cùng với sự xuất hiện và tồn tại của xã hội loài người. Nhiệm vụ cơ bản của giáo dục là chuẩn bị cho thế hệ trẻ đi vào cuộc sống trên cơ sở tiếp thu, kế thừa và phát triển những kinh nghiệm, tri thức mà nhân loại đã tích lũy được. Có chức năng chuyên biệt, quá trình giáo dục muốn đạt chất lượng, có hiệu quả cao cần tuân thủ hàng loạt nguyên tắc/nguyên lý trong đó có nguyên lý "học đi đôi với hành", "gắn lý luận với thực tiễn"- một nguyên lý luôn được các nhà sư phạm, các nhà giáo dục quan tâm và trong từng thời kỳ, nó luôn biến động và có những nội dung mới.

1- Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục đại học, cao đẳng là một bộ phận cấu thành quan trọng và các môn lý luận chính trị là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo. Dạy và học các môn lý luận chính trị là một hoạt động thuộc quá trình giáo dục. Đó là quá trình nhà giáo dục (giảng viên) tác động vào đối tượng giáo dục (sinh viên) thông qua truyền thụ, luận giải, phân tích một cách khoa học những nội dung của các môn lý luận chính trị, làm cho sinh viên nắm được những kiến thức căn bản, cốt lõi, quan trọng, trên cơ sở đó, xây dựng cơ sở khoa học cho nhận thức và niềm tin.
Nội dung giảng dạy các môn lý luận chính trị vừa bao gồm những nguyên lý, quy luật phát triển chung của thế giới, của xã hội loài người, vừa bao gồm những bài học về sự vận dụng của Đảng, Nhà nước Việt Nam vào thực tiễn Việt Nam. Đó là một hệ thống các quan điểm, tư tưởng được khái quát từ những kinh nghiệm thực tiễn, từ thế giới khách quan, phản ánh những mối liên hệ bản chất, mang tính qui luật của sự vật, hiện tượng trong thế giới hiện thực. Sự thống nhất căn bản, mối liên hệ chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, cũng như tính độc lập tương đối của lý luận trong quan hệ đối với thực tiễn dẫn đến yêu cầu tuân thủ nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong nhận thức lý luận, trong giảng dạy các môn lý luận chính trị. Truyền giảng những tri thức lý luận, không thể cường điệu, tuyệt đối hóa nó; tri thức lý luận cần phải được soi chiếu, diễn giải, tiếp cận từ góc độ thực tiễn khách quan sinh động luôn vận động, biến đổi. Lý luận mác xít là lý luận về phá vỡ sự ràng buộc và từ bỏ tháp ngà ý thức để đến với cái đích thực – cái hiện hữu trong thực tiễn sôi động, cổ xúy xây dựng những con người hành động, con người dám bước qua tính quy định của điều kiện sống, bứt lên cải tạo xã hội. Chỉ trên cơ sở gắn lý luận với thực tiễn, rồi từ thực tiễn củng cố, hoàn thiện về nhận thức, mới có thể có những nhận thức đúng đắn, mới có thể cải tạo hiện thực khách quan.
Giảng dạy các môn lý luận chính trị không thể chỉ dừng lại ở những nguyên lý lý luận thuần túy, kiến thức sách vở... mà quan trọng hơn là phải biết vận dụng, đối chiếu những kiến thức ấy với thực tiễn phức tạp, đa chiều cạnh; biết tổng kết thực tiễn để rút ra những bài học kinh nghiệm. Thực tiễn cuộc sống luôn luôn vận động và phát triển nhưng không theo một khuôn mẫu định sẵn hay một con đường thẳng tắp, mà quanh co, khúc khuỷu. Nếu không có khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, bài giảng của giảng viên sẽ mất đi ý nghĩa, sẽ không thuyết phục, tri thức và kỹ năng nhận được sau quá trình học tập các môn lý luận chính trị sẽ trở nên hời hợt, không thể là một kênh quan trọng hình thành ở người học khả năng tư duy khoa học, năng lực sáng tạo trong hoạt động.
Trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước  Việt Nam xác định “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”[1] và giáo dục – đào tạo có sứ mệnh “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”[2]. Hoàn thành sứ mệnh ấy, mục tiêu chiến lược của giáo dục – đào tạo là hình thành nên những con người, những lớp người có năng lực tiếp thu cái mới, có khả năng thích ứng với môi trường, để sinh tồn, phát triển – đó là những con người có cá tính, có kỹ năng sống, có năng lực chiếm lĩnh, sáng tạo tri thức, có khả năng nhận thức và cải tạo xã hội.
Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, với tư cách một môn học bộ phận, cấu thành nên hệ thống các môn học ở bậc cao đẳng, đại học, giảng dạy các môn lý luận chính trị phải tăng cường tính thực tiễn, hướng vào năng lực giải quyết vấn đề, tập trung vào những năng lực chuyên môn chủ yếu, nhằm cung cấp cho người học những phương tiện chuyển dịch từ lĩnh vực học tập sang lĩnh vực hoạt động thực tiễn. Muốn thực hiện yêu cầu trên cần đổi mới phương pháp giảng dạy, vận dụng những phương pháp thích hợp. Những phương pháp đã được vận dụng và đang trong quá trình thử nghiệm để nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị là nghiên cứu thực tế và giảng dạy theo tình huống.
2- Nghiên cứu thực tế trong dạy và học các môn lý luận chính trị đòi hỏi sự tham gia của cả chủ thể giáo dục - người thầy và người học (đối tượng giáo dục).
Để thực hành hiệu quả giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn, nghiên cứu thực tế của giảng viên có vai trò hàng đầu, bởi trong quá trình dạy và học (quá trình giáo dục), giảng viên có vai trò quan trọng to lớn và quyết định. Giảng viên có cùng lúc nhiệm vụ của chuyên gia (có tri thức sâu sắc về môn học, có khả năng nghiên cứu, có phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiệu quả), nhiệm vụ của người thúc đẩy (kích thích năng lực khám phá, kích thích khả năng học tập, hình thành kỹ năng ở người học...) và nhiệm vụ của người tổ chức[3]. Giảng viên được ví như cỗ máy cái trong quá trình tạo ra sản phẩm và điều quan trọng là những sản phẩm này, đến lượt nó lại tiếp tục tạo ra những sản phẩm khác cho xã hội. Vì vậy, nếu cỗ máy cái hoạt động tốt, đạt chất lượng hiệu quả cao, sẽ cho ra những sản phẩm tốt, làm lợi cho xã hội sau này. Chất lượng, hiệu quả của môn học phụ thuộc vào chất lượng của giảng viên. Không thể có những sản phẩm có chất lượng nếu như những người làm ra sản phẩm đó không có trình độ nghệ nhân. Phân tích đó cho thấy, đáp ứng yêu cầu giảng dạy lý luận gắn với thực tiễn, điều đầu tiên, điểm bắt đầu là từ giảng viên.
Truyền tải những nội dung thông tin có định hướng - những quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước là những kiến thức tương đối khô khan; vì vậy, để bài giảng hấp dẫn, gây được hứng thú với người học, giảng viên không chỉ cần có kiến thức vững vàng, cách trình bày hấp dẫn, chắc chắn, mà còn cần có tư liệu thông tin phong phú, kiến thức thực tế sinh động. Điểm đặc biệt của giảng dạy các môn lý luận chính trị là rất nhạy cảm với mọi sự đổi thay của môi trường xã hội, các biến động xã hội, chịu ảnh hưởng trực tiếp của môi trường xã hội. Mọi sự biến đổi của đất nước cũng như quốc tế đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nội dung truyền dạy, lý giải, phân tích các kiến thức. Không nắm vững, không có kiến thức về thực tiễn, giảng viên không thể làm tròn nhiệm vụ truyền giảng khoa học của mình, bài giảng của giảng viên chỉ là những lý luận khô cứng, không mấy thuyết phục.
Thực tiễn là hoạt động sáng tạo của con người tác động vào thế giới khách quan, nhằm cải tạo nó, phục vụ cho lợi ích của mình. Vì vậy, hoạt động này hết sức phong phú, đa dạng, mỗi địa phương, mỗi vùng đều có những đặc trưng khác nhau. Tổ chức cho giảng viên nghiên cứu thực tế là tạo điều kiện cho giảng viên thâm nhập thực tiễn, lấy thực tiễn soi chiếu, phân tích làm sâu thêm, củng cố chắc chắn thêm những kiến thức đã có; đồng thời, khai thác, tiếp thu những kinh nghiệm, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Những chuyến đi thực tế, một mặt, giúp các giảng viên hiểu sâu sắc hơn những vấn đề lý luận mà họ giảng dạy; mặt khác, giúp soi chiếu lý luận vào điều kiện thực tiễn mà họ đã thâm nhập, đã chứng kiến, đã nhận thức.  Những tri thức có được từ thực tiễn “muôn màu, muôn vẻ” là “nguồn nguyên liệu” quan trọng, tăng chất lượng cho các bài giảng, làm cho các bài giảng có ý nghĩa, giá trị sâu sắc hơn.
Nghiên cứu thực tế vẫn thường được áp dụng trong việc tập huấn, nâng cao trình độ giảng viên lý luận chính trị. Song gần đây, dưới tác động của những yếu tố khách quan, chủ quan, ở nhiều trường, nhiều cơ sở đào tạo, thâm nhập thực tế của giảng viên lý luận chính trị bị cắt bỏ, hoặc được thực hiện quấy quá, đậm tính hình thức. Điều đó vừa phản khoa học, vừa đi ngược lại  yêu cầu giảng dạy gắn với thực tiễn. Để giảng viên có kinh nghiệm, có vốn kiến thức thực tiễn phong phú, đa dạng, họ không chỉ cần được tiếp xúc với thực tiễn địa phương, trong nước, mà cần được nghiên cứu, tham khảo cả thực tiễn nước ngoài. Mặt khác, để việc nghiên cứu thực tế có chất lượng, hiệu quả, cần phải đổi mới một cách căn bản phương pháp, cách thức nghiên cứu thực tế. Trước hết, không nên coi việc nghiên cứu thực tế như các hình thức tham quan đơn thuần, mà phải coi đây là những đợt nghiên cứu thực sự, nằm trong chương trình nâng cao chất lượng giảng dạy.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho giảng viên đảm nhận/thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học một cách thường xuyên – những đề tài này phải gắn liền với thực tiễn, đòi hỏi phải có khảo sát thực tế, va chạm thực tế, lấy lý luận soi rọi thực tiễn; đồng thời, từ thực tiễn có những nhận thức, những phản biện tích cực ngược lại đối với lý luận. Cần chú ý một điều: Tạo điều kiện cho giảng viên nghiên cứu khoa học; đồng thời, cần tạo ra những “hành lang pháp lý”, những khoảng tự do độc lập nhất định trong việc chọn nội dung nghiên cứu và công bố nội dung nghiên cứu cho sinh viên. Không nên áp đặt các nội dung nghiên cứu theo chủ đích, hoặc theo các hướng nghiên cứu đã được định sẵn - điều đó làm mất tính độc lập, tính sáng tạo nghiên cứu khoa học và làm mất hứng thú nghiên cứu của giảng viên. Sự thành công của một công trình nghiên cứu khoa học phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng của thông tin đầu vào; do vậy, cần tạo điều kiện cho giảng viên tiếp cận những thành tựu khoa học mới, nguồn thông tin có giá trị, nhất là những thông tin liên quan đến thực tiễn vận động những vấn đề chính trị - xã hội của đất nước.
Cũng lưu ý rằng, muốn có vốn kinh nghiệm thực tiễn, ngoài việc Nhà trường, các cơ quan hữu quan tạo điều kiện cho giảng viên tích lũy kiến thức thực tiễn, bản thân giảng viên luôn phải có ý thức tự tích lũy, tự ý thức trau dồi vốn sống, vốn kinh nghiệm thực tiễn, coi đó là một trong những yếu tố quyết định chất lượng chuyên môn.
Đối với người học, có thể tiến hành nghiên cứu thực tế theo nhiều hình thức khác nhau: Nghiên cứu theo từng chuyên đề, theo nội dung của môn học, có thể chọn điển hình về từng mặt để nghiên cứu. Về quy mô có thể tiến hành theo từng nhóm, từng lớp. Đương nhiên, để việc nghiên cứu thực tế không mang tính hình thức mà đem lại kết quả thực sự, cần phải có kế hoạch, có đề cương hướng dẫn cụ thể và có tổ chức thu hoạch, kiểm tra kết quả nhận thức.
3- Phương pháp giảng dạy theo tình huống là phương pháp giảng khá hiệu quả, nhưng cũng tương đối khó, vì phương pháp này đòi hỏi giáo viên phải có vốn sống và vốn thực tiễn hết sức phong phú. Mặt khác, để có tài liệu giảng dạy, phải tiến hành hệ thống hóa một số tình huống đặc trưng cơ bản, dự kiến những tình huống có thể phát sinh trong thực tế và những giải pháp giải quyết các tình huống này. Phương pháp này có thể vận dụng xen kẽ vào trong các bài giảng dưới hình thức minh họa, nhưng cũng có thể coi là một phần độc lập trong chương trình, hướng tới nâng cao khả năng vận dụng và xử lý các tình huống của người học trong thực tế.
Giảng dạy theo tình huống là một hình thức của phương pháp dạy học tích cực - phương pháp lấy người học làm trung tâm, khêu gợi cho người học suy nghĩ, suy luận, động não, nêu thắc mắc, thuyết trình và tranh biện. Thực chất của phương pháp này là tổ chức hoạt động dạy của người thầy thành quá trình tự học của học trò, hướng vào việc tích cực hóa hoạt động của cả thầy và trò; giảng viên không học hộ sinh viên bằng cách thuyết trình toàn bộ nội dung môn học. Vì vậy, nếu trước đây, trong giảng dạy, thường lấy hình thức giảng bài là khâu mở đầu, thì nay lấy hình thức hướng dẫn sinh viên tự học là khâu xuất phát. Trong hướng dẫn sinh viên tự học, hình thức cho hiệu quả cao (nếu biết tiến hành đúng các yêu cầu) chính là thực hiện xeminar. Xeminar đồng thời là một hình thức giảng viên thực hành nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn một cách hết sức phù hợp, bởi chủ đề cho xeminar có thể lựa chọn trong một phạm vi khá rộng rãi và thường phải là những chủ đề, những đề tài có tình huống, có tính chất mở. Những chủ đề này hoặc về những nội dung cơ bản, những vấn đề trong giáo trình môn học, hoặc có thể về những vấn đề chuyên sâu có liên quan chặt chẽ với thực tiễn -– những đặc điểm này của xeminar tạo điều kiện tốt cho việc thảo luận những vấn đề của thực tiễn, nhất là những vấn đề thực tiễn đang nóng bóng, thu hút sự chú ý, quan tâm mang tính thời sự.
Hướng dẫn thực hiện xeminar là một hoạt động khó hơn nhiều so với giảng lý thuyết trên lớp, nhất là khi hướng dẫn thảo luận những vấn đề thực tiễn sôi động, có tính động – đang diễn biến. Do đó, giảng viên phải có sự chuẩn bị hết sức chu đáo, vững vàng về chuyên môn và phương pháp sư phạm, nhằm cuốn hút sinh viên và định hướng tốt trong xử lý các tình huống đặt ra.
Có nhiều phương thức tiến hành xemina khác nhau. Phương pháp hội thảo, phương pháp thảo luận theo cụm bài, phương pháp nêu câu hỏi..., mỗi phương pháp đều có mặt mạnh, mặt yếu nhất định. Có hai phương pháp khá phù hợp, mang lại tác dụng tích cực hơn cả cho việc thực hành gắn lý luận với thực tiễn - đó là phương pháp thảo luận nhóm và phương pháp thảo luận theo cụm bài.
*                         *
*
Trên đây là một vài suy nghĩ, khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị theo hướng gắn lý luận với thực tiễn. Trên thực tế, không có phương pháp, nguyên tắc giáo dục nào đứng riêng biệt mà mang lại hiệu quả giáo dục mong muốn. Các phương pháp, nguyên tắc giáo dục cần được kết hợp và kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt. Để tạo sự hứng thú cho sinh viên đối với môn học, đạt các mục tiêu giáo dục đặt ra, cần thực hiện đồng bộ những nguyên tắc và những phương pháp giáo dục khác, đa dạng. Chỉ khi đó, giảng dạy các môn lý luận chính trị theo hướng gắn lý luận với thực tiễn mới cho những kết quả tối ưu.








[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 71.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 77.
[3] Hiện nay, theo quan niệm của giáo dục hiện đại, khái niệm "giảng viên" cũng như vai trò giảng viên được định nghĩa tương đối rộng, theo đó, giảng viên thực hiện ba vai trò trong quá trình đào tạo: 1-Vai trò của một chuyên gia - đây là vai trò quan trọng nhất, là tiêu chí cơ bản và điều kiện cần để khẳng định một người trở thành giảng viên. Chuyên gia là người nắm vững, biết rõ, biết sâu về chủ đề đào tạo, nhằm giúp người học phát triển, hay tự phát triển theo hướng mong muốn ; 2- Vai trò của người thúc đẩy - đây là vai trò rất quan trọng của giảng viên, phù hợp với nguyên tắc lấy người học làm trung tâm, trong đó nhiệm vụ của giảng viên là gợi mở, khuyến khích, giúp đỡ sinh viên từng bước tự nhận thức, từ đó rút ra phương pháp và những kiến thức cần thiết áp dụng trong thực tiễn, giải quyết công việc hiệu quả ; 3- Vai trò của người tổ chức - Giảng viên cần tổ chức tốt từng khâu cũng như toàn bộ quá trình giảng dạy của mình, từ xác định nhu cầu, thiết kế đào tạo đến chuẩn bị bài giảng và tiến hành công việc giảng dạy. Tổ chức quá trình giảng dạy hiệu quả, giảng viên phải chú ý đến tính tương tác giữa người dạy và người học, trong đó, người học được coi là trung tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét