Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

QUAN HỆ GIỮA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY Ở BẬC ĐẠI HỌC




Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
1. Tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học đối với hoạt động giảng dạy ở bậc đại học
Ở bậc đại học, giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai mặt của một quá trình nhận thức. Một nhà giáo không nghiên cứu khoa học thì không thể coi là một nhà giáo giỏi. Ngược lại, một nhà nghiên cứu mà không có điều kiện giảng dạy, truyền đạt kết quả đã nghiên cứu được, thì tác dụng thực sự của các kết quả nghiên cứu sẽ chỉ dừng lại ở mức độ hạn chế. Cũng vì lẽ đó, trên thế giới, trong các trường đại học hàng đầu, công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng ở tầm mức cao. Có thể thấy rằng, các trường đại học hàng đầu của thế giới (trường đại học có thương hiệu – Top 1) đều là những cơ sở nghiên cứu khoa học lừng danh, có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của khoa học. Đặc biệt, tuyệt đại đa số các viện nghiên cứu có tên tuổi đều nằm trong các trường đại học, hoạt động một cách hiệu quả, nhận được kinh phí lớn và sự quan tâm xứng đáng để phát triển.
Có thể viện dẫn một vài con số thống kê do Website fabula.org[1] về các cuộc hội thảo khoa học trong lĩnh vực văn học: Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2007, ở Pháp có khoảng hơn 370 cuộc hội thảo về văn học; chỉ riêng tại Paris đã có khoảng 220 hội thảo. Thành phần tham gia hội thảo chủ yếu là các giáo sư, giảng viên ở các trường đại học, các cán bộ ở các viện nghiên cứu thuộc trường đại học. Các công trình khoa học của hội thảo hầu như được xã hội hoá một cách rộng rãi. Điều đáng lưu ý là những con số thống kê còn cho thấy tính liên tục và đều đặn của các cuộc hội thảo. Bên cạnh công tác giảng dạy, việc nghiên cứu đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của các trường đại học trên thế giới. Ở các trường đại học danh tiếng, các cuộc hội thảo được tổ chức trong vòng quay liên tục của năm, trung bình có khoảng từ 55-77 cuộc hội thảo khoa học/tháng. Ở các nước phát triển, thường gặp trường hợp có những nhà nghiên cứu vốn không khởi đầu từ một trường đại học, song sau khi có công trình khoa học chất lượng được công bố, họ sẽ được mời về làm việc ở các trường đại học, hoặc các viện nghiên cứu trong trường đại học. Có thể thấy rằng, môi trường đại học vừa là môi trường kích thích, vừa là môi trường có nhiệm vụ phát triển nghiên cứu. Bản chất của môi trường đại học là môi trường nghiên cứu - điều này là hợp lý và đúng với tất cả các nước có nền giáo dục đại học phát triển. Đây cũng là một trong những điểm mấu chốt, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học trên thế giới nói chung, các trường đại học hàng đầu trên thế giới nói riêng.
2. Nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở các trường đại học Việt Nam
Hoạt động nghiên cứu khoa học chính là một trong những điểm yếu của giáo dục đại học ở Việt Nam, nhất là trong các ngành khoa học xã hội. Ở hầu hết các trường đại học, giảng viên chỉ đơn thuần đảm nhiệm công tác giảng dạy, mà không tham gia nghiên cứu khoa học. Công tác nghiên cứu khoa học chỉ được triển khai ở các trường như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học bách khoa….), song chỉ tập trung vào tầng lớp các bộ giảng dạy có thâm niên, các cán bộ giảng dạy trẻ chưa có điều kiện nghiên cứu khoa học thường xuyên và ở mức độ sâu. Thực tế này cho thấy, nếu đại học Việt Nam còn có vấn đề về chất lượng, bị coi là bậc “phổ thông cấp 4” có một trong những nguyên nhân là các trường đại học Việt Nam chưa thực sự trở thành môi trường nghiên cứu. Công tác nghiên cứu và giảng dạy chưa thực sự được gắn kết với nhau, để tạo hiệu quả cần thiết. Việc nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên các trường đại học mới chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp, chủ yếu là các vấn đề trong chương trình giảng dạy, các nghiên cứu khá biệt lập, chưa có sự phối hợp giữa các trường để triển khai nghiên cứu các vấn đề lớn. Theo con số thống kê, những năm 2006-2009, các trường đại học cả nước có 248 đề tài cấp Nhà nước; 1.823 đề tài cấp Bộ; 5.505 đề tài cấp Trường, với tổng kinh phí thực hiện là hơn 136 tỷ đồng, nghĩa là trong một năm, trung bình một trường chỉ thực hiện được khoảng hai đề tài cấp Nhà nước, 17 đề tài cấp bộ và 54 đề tài cấp trường. Thực tế này cho thấy, công tác nghiên cứu khoa học còn chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy. Số giảng viên say mê nghiên cứu khoa học còn rất ít ỏi, số công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng cao vẫn còn hạn chế, một số giảng viên vẫn coi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là thứ yếu, tính chủ động nghiên cứu khoa học chưa cao.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do:
1- Kinh phí cấp cho nghiên cứu khoa học còn rất nhỏ hẹp; do vậy, đề tài khoa học có thể sẽ trở thành đặc quyền, đặc lợi của một số tầng lớp nhất định (cán bộ lâu năm, giảng viên có chức vụ…). Ở một số trường hợp, do tư tưởng “cào bằng”, kinh phí được xé lẻ thành các đề tài nhỏ, phân bổ đều giữa một bộ phận giảng viên, nên không đủ kinh phí để triển khai những đề tài tầm cỡ. Cũng có trường hợp do kinh phí được phân bổ nhỏ và hạn hẹp, nên khi triển khai một đề tài khoa học, lượng kinh phí được nhận không đủ chi trả cho hoạt động nghiên cứu, thậm chí phải bù lỗ, các giảng viên không có hứng thú tham gia nghiên cứu. Bên cạnh đó, tình trạng “xin - cho” trong cấp kinh phí nghiên cứu khoa học, cũng như các thủ tục “hành là chính” đã làm triệt tiêu động lực nghiên cứu khoa học của một bộ phận lớn giảng viên.
2- Ở một số cơ sở đào tạo, số lượng giờ giảng (ngoài chuẩn) giao cho giảng viên quá cao, giảng viên phải hết thời gian cho công việc giảng dạy, không còn thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
3- Đối với khoa học xã hội, giảng viên không có được một sự độc lập nhất định trong việc chọn nội dung nghiên cứu và công bố nội dung nghiên cứu cho sinh viên. Các nội dung nghiên cứu thường bị áp đặt theo các hướng nghiên cứu đã được định sẵn, những vấn đề có “đất” sáng tạo, khai phá ít được thông qua, bởi tâm lý của một số cấp lãnh đạo e ngại chạm vào “vùng cấm”, các “vấn đề nhạy cảm”. Điều này làm mất tính độc lập, tính sáng tạo, hứng thú tham gia nghiên cứu khoa học của các giảng viên.
4- Quan niệm và yêu cầu về giảng viên đại học trong mối quan hệ với nghiên cứu khoa học chưa được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc. Nghiên cứu khoa học chưa phải là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của giảng viên, chưa trở thành một trong những nhiệm vụ, nghĩa vụ thường kỳ của giảng viên. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học chưa được coi là hai mặt gắn bó mật thiết của một quá trình. Chưa có những yêu cầu cụ thể về tính cập nhật, bổ sung, đổi mới trong bài giảng của giảng viên; do vậy, giảng viên cũng chưa ý thức đầy đủ về sự cần thiết phải nghiên cứu khoa học.
5- Khả năng tiếp cận nguồn thông tin  và những thành tựu khoa học mới  còn hạn chế. Hiện nay, trong thời đại kinh tế tri thức, thông tin khoa học đã trở thành một thứ hàng hoá có giá trị, thậm chí đắt giá. Sự thành công của một công trình nghiên cứu khoa học phụ thuộc rất lớn vào khả năng khai thác, chất lượng của thông tin đầu vào, của nguồn tài liệu, đặc biệt là đối với khoa học xã hội. Đây cũng là một trở ngại lớn, một rào cản tâm lý cho những người muốn nghiên cứu, muốn đóng góp cho khoa học
6- Đời sống kinh tế của giảng viên trực tiếp tác động đến hứng thú nghiên cứu khoa học. Với mức lương như hiện nay ở nhiều trường đại học, một giảng viên khó có thể có hứng thú để vừa giảng dạy, vừa làm khoa học. Do mưu sinh, một số giảng viên, đặc biệt là những giảng viên trẻ phải dạy thêm ở nhiều nơi, trở thành những “thợ giảng”, không còn sức lực và tâm huyết để tham gia nghiên cứu khoa học.
Như vậy, những khó khăn, những rào cản đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường đại học đã khiến cho năng lực nghiên cứu khoa học của các trường đại học nhiều bất cập, tác động tiêu cực đến chất lượng giảng dạy, đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải khắc phục.
3. Một số đề xuất nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học ở các trường đại học
Nghiên cứu khoa học là hoạt động trí óc ở trình độ cao, có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy năng lực sáng tạo, tư duy lý luận, là con đường ngắn nhất để nâng cao năng lực chuyên môn. Giảng viên vừa phải là nhà sư phạm, vừa phải là nhà khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với giảng dạy, làm cho nghiên cứu khoa học trở thành đòn bẩy trong nâng cao chất lượng giảng dạy. Muốn vậy, cần:
Thứ nhất, quán triệt vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học đối với giảng viên; từ đó, đề ra tiêu chuẩn cụ thể, bắt buộc các giảng viên hàng năm phải có ít nhất một số lượng công trình nghiên cứu khoa học nhất định với các dạng nghiên cứu khác nhau (đề tài nghiên cứu các cấp, bài báo khoa học, giáo trình, biên soạn tài liệu tham khảo,…) và tiêu chuẩn này phải trở thành tiêu chuẩn cứng để đánh giá, phân loại cán bộ, giảng viên. Cần có những cơ chế khen thưởng vật chất cho những giảng viên tích cực nghiên cứu khoa học, công bố các công trình khoa học có chất lượng.
Thứ hai, tạo điều kiện về các đề tài nghiên cứu, cung cấp trang, thiết bị nghiên cứu, kinh phí nghiên cứu… cho đội ngũ giảng viên; đồng thời, đưa ra định hướng nghiên cứu khoa học một cách có trọng tâm, trọng điểm, hướng giảng viên nghiên cứu những vấn đề có giá trị lý luận, thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn.
Thứ ba, tăng cường kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học. Tuy chất lượng nghiên cứu khoa học không chỉ phụ thuộc vào kinh phí, mà còn phụ thuộc vào yếu tố con người và hàng loạt yếu tố khác, song nếu không có kinh phí, thì không có một hoạt động khoa học nào có thể thực hiện được. Đây có thể coi là điều kiện tiên quyết. Kinh phí phục vụ nghiên cứu khoa học thậm chí phải ở mức độ cao, vì đây là công việc khó khăn, tốn nhiều chất xám và sức lực và kết quả của nó trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ tư, công khai hoá việc sử dụng ngân sách của Nhà nước cho việc nghiên cứu khoa học. Có thể công bố ngân sách Nhà nước cho việc nghiên cứu khoa học trên các Website của trường, minh bạch về tài chính, cần chi tiết hoá kinh phí và cập nhật liên tục, nếu như có sự thay đổi. Công bố các điều kiện, yêu cầu, cũng như các ngành khoa học cụ thể trên các Website để tất cả các cán bộ đều có thể nộp hồ sơ tham gia nghiên cứu khoa học, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người, tránh đặc quyền, đặc lợi; tạo điều kiện cho tài năng phát triển.
Thứ năm, tạo cơ hội cho các giảng viên trẻ tuổi tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học. Lực lượng giảng viên dưới 35 tuổi ngày càng trở nên đông đảo hơn và đang dần đảm nhiệm phần lớn công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo. Đây là lực lượng có sức sáng tạo, năng động, có sức bật, song lại đang thiếu kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu. Vì vậy, khuyến khích giảng viên trẻ, tạo điều kiện cho giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học là hết sức cần thiết. Cần mạnh dạn bố trí họ tham gia các đề tài khoa học chuyên ngành, liên ngành, tạo điều kiện để tổ chức các cuộc hội thảo, hoặc các nhóm nghiên cứu tuỳ theo lĩnh vực, sự quan tâm, năng lực khoa học; cần có quy định khen thưởng thích đáng cho lao động khoa học và kết quả nghiên cứu khoa học của các giảng viên trẻ.
Thứ sáu, tạo điều kiện cho các giảng viên tiếp cận các nguồn thông tin khoa học có giá trị. Chỉ có tiếp cận được những nguồn thông tin có giá trị, mới mong nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học, các đề tài khoa học mới có giá trị thực tiễn, không rơi vào tình trạng bị “xếp xó” như thường thấy. Đề đạt mục tiêu đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về cả mặt vật chất, lẫn cơ chế quản lý.



[1] Website chuyên đưa thông tin về các hoạt động văn học


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét