Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học,
các bài báo khoa học đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nó không chỉ là bản
báo cáo về một công trình nghiên cứu, mà còn là một đóng góp cho kho tàng tri
thức chung. Khoa học tiến bộ một phần lớn nhờ vào thông tin từ những bài báo
khoa học. Nếu một công trình nghiên cứu đã hoàn tất mà kết quả không được công
bố, thì người nghiên cứu có thể xem như chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Viết một bài báo chất lượng là một
công việc không hề đơn giản, nếu không muốn nói là phức tạp, đòi hỏi người viết
phải vắt óc suy nghĩ, đầu tư trí lực, tâm sức. Đây là một loại hình lao động
hết sức nặng nhọc, vì ngoài việc có ý tưởng khoa học sáng tạo, cần có kỹ năng
nghiên cứu, trình bày và thời gian triển khai – đó là những nỗ lực to lớn, bền bỉ trên quãng đường trường đầy
chông gai, thậm chí không hiếm thất bại.
1.
Cấu trúc
Phác họa cấu trúc của một bài báo
trước khi đặt bút viết phải được người nghiên cứu coi là ưu tiên hàng đầu. Một
bài báo khoa học được đánh giá là đáp ứng yêu cầu nghiên cứu phải có cấu trúc
gọn, rõ, nhìn trên đó, người đọc lập tức nắm bắt, đọc được ý tưởng khoa học mà
nhà nghiên cứu muốn truyền tải.
Cấu trúc thông thường của một bài
báo gồm: Dẫn nhập, nội dung và kết luận. Ngoài ra, nhiều tạp chí đòi hỏi thêm
phần Tóm tắt (Summary).
Tóm tắt là phần được độc giả rất lưu
tâm, nhất là hiện nay khi Tóm tắt được tin học hóa gần như tuyệt đối. Người đọc
sau khi đọc tên bài báo, tên tác giả, sẽ đọc Tóm tắt trước khi quyết định đọc
hay không đọc nội dung toàn văn. Một Tóm tắt viết tốt thông báo đến người đọc ý
tưởng nghiên cứu và nội dung chủ yếu của bài báo. Tóm tắt được xem như lời giới
thiệu ngắn (brief introduction) về bài viết. Tóm tắt có thể được in lại ở nhiều
tài liệu cùng với tên bài, tên tác giả mà không phải toàn bài. Vì lẽ đó,Tóm
tắt, tự bản thân nó, phải đáp ứng yêu cầu đứng độc lập với bài báo.
Nhiệm vụ chính yếu nhất trong Dẫn
nhập (mở đầu, giới thiệu, đặt vấn đề) là phải làm cho người đọc tiếp nhận và
quan tâm đến bài báo. Hơn nữa, Dẫn nhập còn giúp cho người biên tập bài báo hay
Tổng biên tập tạp chí thẩm định tầm quan trọng của nó. Trong phần Dẫn nhập, tác
giả giới thiệu về vấn đề nghiên cứu, phác thảo mục tiêu nghiên cứu. Mục này sẽ
đạt yêu cầu nếu trả lời được những câu hỏi: 1- Lý do thực hiện nghiên cứu? 2-
Mục đích chính của nghiên cứu? Không chỉ có nhiệm vụ giới thiệu chủ đề, Dẫn
nhập còn có nhiệm vụ xác định cách thức, định hướng mà tác giả sẽ phát triển
bài viết. Nên chăm chút phần Dẫn nhập, vì
một đoạn mở bài tốt có hiệu quả rất lớn.
Nội dung là phần quan trọng nhất của
bài báo, trong đó tác giả thể hiện một cách đầy đủ nhất khả năng nghiên cứu, tư
duy độc lập qua các mổ xẻ, phân tích, chứng minh các chiều cạnh của vấn đề
nghiên cứu. Do phải phân tích, làm rõ mọi chiều cạnh của vấn đề nghiên cứu, nên
phần Nội dung thường là tổng hợp của hàng loạt nội dung khác nhau; mỗi nội dung
xoáy sâu vào một chiều cạnh, nhưng nằm trong một logic chặt chẽ, kết nối hợp
lý. Cần tập trung viết, phân tích cụ thể các dẫn chứng hoặc vấn đề được đưa ra.
Trong Nội dung, tác giả cần tìm ra "điểm
nhấn" cho bài viết ở góc độ tiếp cận, soi chiếu, hoặc những phát hiện mới
về khoa học. Một bài viết nghiên cứu
không phải là một bài luận, xã luận hay một câu chuyện, nên các dữ kiện,
thông tin cần phải được ghi chép, xác nhận, dẫn nguồn. Nên thận trọng với những
tổng quát hóa, kết luận đã có. Người viết phải luôn có tư duy phản biện, cố
gắng khách quan trong việc tìm hiểu thông tin, xác định, điều tra thông tin, dữ
kiện.
Trong Kết luận, kết quả nghiên cứu
phải được khẳng định một cách súc tích, ngắn gọn, đầy đủ, hoặc tóm tắt nội dung
đã được trình bày, luận giải trong cả bài bằng một chút "chắc chắn",
ví dụ như một câu trích hoặc ý kiến ủng hộ của nhà nghiên cứu khác. Đoạn kết
bài phải khiến cho người đọc không một chút nghi ngờ nào về lập trường, quan
điểm và ý kiến của người viết. Cũng có
thể sử dụng kết quả nghiên cứu để soi rọi, vận dụng vào thực tiễn (ôn cố tri
tân).
2.
Bút pháp
Khi xem xét, đánh giá về một bài báo
khoa học thuộc ngành lịch sử, bên cạnh giá trị về nội dung, tư tưởng và tư
liệu, cần chú ý tới giá trị về văn phong trình bày, diễn đạt. “Văn dĩ tải
đạo” - những ý tưởng, những luận điểm, những nội dung khoa học chứa đựng trong
mỗi bài báo khoa học, nếu không tìm ra một cách trình bày, không sử dụng một
văn phong biểu đạt phù hợp, giá trị công trình, vì thế, có thể sẽ bị giảm sút
đáng kể.
Bút pháp, hiểu một cách chung nhất,
là cách thức sử dụng ngôn ngữ để phản ánh tư tưởng, nội dung, ý nghĩa…trong tác
phẩm/công trình (thuộc các loại hình văn học - nghệ thuật hoặc khoa học).
Bút pháp của một công trình khoa học
là bút pháp khoa học; do đó, ở mỗi công trình khoa học ngôn ngữ, văn phong diễn
đạt phải:
Đạt tính chuẩn xác: Phản ánh đúng,
đủ nội dung, tư tưởng (khoa học) mà nó có nhiệm vụ biểu đạt. Điều đó đòi hỏi
người viết phải sử dụng hệ thống khái niệm tương ứng với đối tượng nghiên cứu
một cách phù hợp, có hiệu quả; ngôn ngữ, văn phong phải chuẩn xác tạo ra sự rõ
ràng, súc tích, chặt chẽ, dễ hiểu; giúp người đọc nắm bắt được nội dung, tư
tưởng khoa học chứa đựng trong bài viết một cách đầy đủ, nhanh chóng, chính
xác. Cần tránh lối biểu đạt mập mờ, “nước đôi”. Trong nhiều trường hợp, tránh bộc lộ tình cảm cá nhân của người viết một cách
thái quá, gây cảm giác thiên vị, chủ quan (nhất là trong phần mô tả,
phân tích thực trạng của vấn đề nghiên cứu).
Giàu lượng thông tin: Chứa đựng, chuyển tải được nhiều thông
tin khoa học thuộc về hoặc liên quan tới phạm vi đề cập, tới lĩnh vực xem xét
giải quyết của bài báo trong một đơn vị ngôn ngữ (từ ngữ, câu, đoạn...) tối
giản. Với một số chữ ít nhất, người đọc chỉ mất một thời lượng ngắn nhất để
thâu nhận được một lượng thông tin (khoa học) nhiều nhất trong mỗi trang viết.
Nói cách khác, câu văn, đoạn văn phải chứa
chặt lượng thông tin mà tác giả cần chuyển tải tới người đọc.
Những yêu cầu đặt ra trên đây về
thực chất và trên thực tế, không hề mâu thuẫn, càng không hề phủ nhận một
“thuộc tính” khác trên bình diện bút pháp của một công trình khoa học: Đó là
khả năng biểu cảm, biểu đạt phong phú,
sinh động, nhằm góp phần tạo ra và làm tăng tính hấp dẫn của công trình,
khắc phục được tình trạng khô khan, “vô hồn” mà nhiều công trình khoa học
thường mắc phải khi trình bày các sự kiện, hiện tượng cũng như khi lập luận, lý
giải, khái quát hoặc trình bày các luận điểm, luận chứng, luận cứ khoa học vốn
trừu tượng, khô khan, nặng nề… Vấn đề đặt ra là khi sử dụng từ ngữ, phải bảo
đảm sự chừng mực, tính khách quan, tính xác thực của những thông tin mà tác giả
muốn thể hiện. Ngắn gọn lại, văn phong trình bày phải đáp ứng các yêu cầu: Chặt
chẽ, chính xác, sáng sủa , súc tích, tĩnh
lược.
3.
Phương pháp trình bày
Liên quan chặt chẽ tới bút pháp của
một công trình khoa học là phương pháp trình bày. Ở khía cạnh này, mô tả và
khái quát được xem là hai phương pháp chính thuộc về phương pháp trình bày một
bài báo khoa học.
Mô tả là phương pháp được sử dụng
khi trình bày, khắc họa thực trạng của vấn đề nghiên cứu. Sử dụng phương pháp
này cho phép nhà nghiên cứu tái hiện hiện thực với đầy đủ tính phong phú, đa
dạng, đa chiều như nó vốn có. Khi sử dụng phương pháp thể hiện này, yêu cầu đặt
ra là phải dựng lại đúng thực trạng của vấn đề nghiên cứu trên mọi chiều kích
của nó, song đồng thời phải chọn lọc chi tiết, có định hướng, tránh lan man,
dàn trải.
Khái quát là phương pháp được sử
dụng khi trình bày bản chất, quy luật vận động của hiện thực; qua đó, (có thể)
luận đoán khuynh hướng phát triển tất yếu của các sự kiện, hiện tượng nghiên
cứu. Nói cách khác, nếu phương pháp miêu tả là nhằm tái hiện lại thực trạng của
đối tượng, của vấn đề nghiên cứu, thì khái quát lại có mục đích nêu bật “thần
thái”, “hồn cốt” của đối tượng ấy. Yêu cầu đặt ra cho phương pháp này là phải
bám sát nội dung nghiên cứu mà tiến hành khái quát. Muốn vậy, người viết, ngoài
khả năng về ngôn ngữ, còn phải nắm vững và vận dụng sáng tạo, linh hoạt hệ
thống khái niệm chuyên ngành liên quan, nắm chắc, sử dụng nhuần nhuyễn các
phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành, nhất là phương pháp logic.
4. Một số lưu ý khác
Thứ nhất, đọc lại bài viết.
Các tác giả là trước khi gửi bài báo
tới tạp chí, hãy đọc lại bài viết ít nhất bốn lần (đọc rà soát), mỗi lần có một
mục đích rõ ràng. Có thể liệt kê bốn mục đích căn bản cho bốn lần đọc:
1- Cân nhắc kết cấu đã có của bài
viết để đạt mức tối ưu.
2- Kiểm tra những nội giải quyết
trong bài báo để đảm bảo truyền tải đầy đủ ý tưởng nghiên cứu.
3- Kiểm tra logic của toàn bộ bài
báo, cũng như trong từng nội dung triển khai nghiên cứu.
4- Rà soát lỗi kỹ thuật, chính tả, diễn đạt, văn phong, kiểm tra các số
liệu, sự kiện trong bài, các bảng, các biểu đồ.
Nhắc thêm rằng, với ít nhất bốn mục
đích đọc đã liệt kê, nên: 1- Cách quãng các lần đọc với một khoảng thời gian
vừa đủ để có thể tỉnh táo hoàn thành mục đích đọc; 2- Các mục đích đọc trong
các lần đọc có thể phân tách riêng rẽ, cũng có thể có thể lồng ghép, song không
bao giờ được phép quên/xem nhẹ bất cứ mục đích đọc nào.
Thứ
hai, sự tĩnh lược.
Sự súc tích thái quá dẫn tới việc
lược bớt những từ hay ý tưởng bắt buộc phải có để có thể hiểu được câu văn hoặc
nội dung bài. Sự quá ngắn gọn làm hỏng tính sáng sủa của trình bày khoa học. Sự
rút gọn thái quá trong một báo cáo khoa học có thể dẫn đến sự hụt hẫng trong lý
giải các nội dung khoa học cần thiết, bởi nhà khoa học phải trình bày từng giai
đoạn lý luận của mình để độc giả tránh phải
suy diễn ngay cả khi một số giai đoạn có vẻ là tất yếu. Sự tĩnh lược là
lược bỏ có nguyên tắc, song vẫn đảm bảo tính logic, vẫn đầy đủ thông tin. Tĩnh
lược là giai đoạn cuối cùng, khi bài báo đã được viết xong. Tĩnh lược là đảm bảo cho bài báo tuân thủ được nguyên
tắc: Chặt chẽ, sáng sủa, súc tích.
Thứ ba,
văn trong luận.
Viết bằng một ngôn ngữ
đơn giản và rõ ràng, loại bỏ cách diễn đạt văn hoa không có nghĩa là loại bỏ
chất “văn trong luận".“Văn trong luận" có nghĩa là không dùng một từ
nhiều lần liên tục, gần nhau, ngoại trừ khi muốn tạo ra những tác dụng lặp lại;
do đó, nên dùng các từ đồng dạng (từ đồng nghĩa). “Văn trong luận" là cách
viết uyển chuyển, có sắc thái, phong phú, đa dạng về từ ngữ, văn phong sáng
sủa, mạch lạc. "Văn trọng luận" là cách sử dụng ngôn từ biểu đạt ý
tưởng khoa học đạt tới trình độ nghệ thuật, để biến ngôn ngữ cùng với ý tưởng
khoa học làm nên/khắc họa sắc thái/bản sắc của người nghiên cứu, để người
nghiên cứu có cá tính, có cái riêng, không thể trộn lẫn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét