Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC



Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
I. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học
Phương pháp luận là hệ thống lý luận về phương pháp nghiên cứu, phương pháp nhận thức và cải tạo hiện thực. Tất cả những lý luận và nguyên lý nào có tác dụng hướng dẫn, gợi mở, chỉ đạo đều là những lý luận và nguyên lý có ý nghĩa phương pháp luận.Mọi nguyên lý thế giới quan đều có tác dụng ấy, chúng hợp thành nội dung của phương pháp luận.
Trên thực tế, có nhiều loại thế giới quan và triết học là thế giới quan, mọi triết học đều là thế giới quan. Dĩ nhiên, đó có thể là thế giới quan khoa học hoặc không khoa học.

 Khái niệm Phương pháp nghiên cứu khoa học: Về mặt bản chất, PPNCKH giúp con người giải quyết một vấn đề đúng và hiệu quả.
Điều đó có nghĩa là trong nghiên cứu khoa học, PPNCKH giúp người nghiên cứu cái cốt yếu nhất là có phương pháp thu thập thông tin, phương pháp xử lý thông tin và phương pháp trình bày thông tin.
Một cách khái quát, phương pháp nghiên cứu khoa học là phương pháp nhận thức thế giới bao gồm những quan điểm tiếp cận, những quy trình, các thao tác cụ thể tác động vào đối tượng để làm bộc lộ bản chất của đối tượng. Tiến hành công tác nghiên cứu, nhà nghiên cứu sẽ phải đối mặt với tình huống là tiếp cận với vấn đề theo hướng nào là phù hợp nhất? Hướng tiếp cận khác nhau sẽ đưa ra những kết quả có thể khác nhau.
1- Quan điểm tiếp cận: Nghiên cứu khoa học được phân chia thành nhiều các chuyên ngành nghiên cứu khác nhau như nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu khoa học tự nhiên. Từ đây, người ta lại chia nhỏ ra thành những chuyên ngành nghiên cứu hẹp hơn như là nghiên cứu khoa học xã hội, nghiên cứu khoa học Marketing, nghiên cứu khoa học tâm lý… Mỗi chuyên ngành nghiên cứu lại có phương pháp nghiên cứu đặc thù riêng dựa trên những tiêu chuẩn của phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung. Do vậy, tiếp cận vấn đề nghiên cứu, điều quan trọng nhất là phải tìm ra quan điểm tiếp cận phù hơp với chuyên ngành hẹp.
2- Các bước tiến hành (quy trình): Khi đã tìm ra hướng tiếp cận, người nghiên cứu bắt đầu cần giải quyết vấn đề theo từng bước một, tức là làm việc gì trước, việc gì sau để đảm bảo quy trình nghiên cứu chặt chẽ.
3- Các thao tác cụ thể: Việc nắm được quy trình nghiên cứu mới chỉ cho người nghiên cứu biết là bước một phải làm gì, bước hai phải làm gì…nhưng lại không nói cho người nghiên cứu biết sẽ làm như thế nào? Chính vì vậy, người nghiên cứu phải thực hiện các thao tác cụ thể để giải quyết công việc của từng bước, mà muốn thực hiện được các thao tác này thì người nghiên cứu buộc phải có các kỹ thuật nghiên cứu cụ thể, công cụ nghiên cứu và kỹ thuật sử dụng các công cụ nghiên cứu. Chính việc sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ nghiên cứu sẽ là một trong các nhân tố chính quyết định tính hiệu quả của một công trình nghiên cứu và nó cũng là nhân tố chính nâng cao năng lực của người nghiên cứu. Ví dụ: Bảng biểu, sơ đồ, biểu đồ, phiếu điều tra…
 Các bước 1,2, 3 sẽ giúp người nghiên cứu tiếp cận với vấn đề đúng hướng, tìm ra những bước giải quyết cụ thể và cách thức giải quyết từng vấn đề hiệu quả. Điều này cũng hàm ý là người nghiên cứu sẽ tiếp cận với thông tin đúng, thu thập thông tin đúng, phân tích thông tin đúng và diễn giải thông tin đúng. Như vậy, bản chất của vấn đề sẽ được bộc lộ.
II. Tính triết học của một công trình khoa học
Đối tượng nghiên cứu của triết học là toàn bộ thế giới vật chất và tư duy của con người. Phương pháp nghiên cứu của nó là khái quát hoá, trừu tượng hóa, đi từ trừu tượng đến cụ thể, kết hợp logic - lịch sử ở tầm bao quát nhất…
Nói tóm lại, cái mà triết học nghiên cứu là rộng nhất, bao trùm nhất, gồm cả tự nhiên, xã hội và tư duy. Vì thế, phương pháp nghiên cứu của nó cũng phải bao trùm nhất, để nhận thức về đối tượng nghiên cứu. Nhờ vậy, con người có các luận điểm, quan điểm… ở tầm triết học, ở tầm khoa học liên ngành, ở các khoa học cụ thể.
- Một cách chung nhất:
Dựa trên phân tầng cấu trúc của triết học:
- Triết học chung
- Triết học ứng dụng
- Ứng dụng triết học.
Tương ứng có:
 - Lý luận cơ bản về bản thân triết học
- Sự kết hợp giữa triết học và cuộc sống hiện thực (triết học xã hội, triết học chính trị, triết học văn hoá, triết học đạo đức... Điều này liên quan đến vấn đề vận dụng triết học Mác - Lênin để giải quyết các vấn đề cụ thể)
- Sự giao thoa giữa triết học và các ngành khoa học khác" (mở rộng triết học sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, hoặc là nghiên cứu các lĩnh vực khác đó theo cách tiếp cận triết học), theo đó, bài viết sẽ có tính triết học nếu nó thể hiện được ít nhất một trong ba nội dung trên.
Dựa trên những tiêu chí đó, sẽ có:
- Những công trình thuần tuý triết học (bản thân Triết học)
- Những bài viết thể hiện quan điểm triết học (Triết học ứng dụng)
- Những bài viết nghiên cứu các vấn đề đặt ra từ quan điểm triết học (ứng dụng triết học)
 - Nếu nhìn theo lát cắt khác, sẽ có triết học bao gồm cả mặt bản thể luận và nhận thức luận.
+ Bản thể luận: Bản thể luận (ontology) trong một công trình nghiên cứu là đi tìm bản chất của sự tồn tại. Ở đây, một công trình nghiên cứu chuẩn luôn có mục đích và mục tiêu nghiên cứu. Chính mục đích và mục tiêu nghiên cứu là bản thể luận của nghiên cứu khoa học, vì hai lẽ sau đây:
1. Mục đích nghiên cứu là nhằm trả lời 3 câu hỏi: Tại sao phải làm? Làm vì nhằm vào việc gì? Để phục vụ cho điều gì?
2. Mục tiêu nghiên cứu là để trả lời câu hỏi: Làm cái gì?
Cả hai lẽ trên là đi tìm bản thể luận của vấn đề cần nghiên cứu. Khi một công trình nghiên cứu chuẩn luôn đặt ra vấn đề đi tìm bản chất của sự vật, hiện tượng đang tồn tại được đưa vào nghiên cứu. Nếu một công trình nghiên cứu mà vấn để được đặt ra không giải quyết được bản thể luận hay còn gọi là cái bản chất của một sự vật, hiện tượng đang còn những tồn tại bất cập hay chưa hiểu biết thì công trình nghiên cứu đó chưa chuẩn xác.
+ Nhận thức luận: Nhận thức vấn đề, để bàn luận tìm ra những nhận thức nào cần, những nhận thức nào của nghiên cứu không cần, để đưa ra những kết luận cuối cùng tương ứng với phần đặt vấn đề của một công trình nghiên cứu.
Như vậy, kết luận của một nghiên cứu là giải đáp vấn đề nhận thức luận của vấn đề cần nghiên cứu, giải đáp bản chất, nguồn gốc và phạm vi hiểu biết của vấn đề còn tồn tại, tìm ra câu trả lời cho bản thể luận còn đang chưa được khai phá, kiểm chứng.
- Để đánh giá một công trình có tính triết học hay không, trước hết phải quy công trình đó thuộc về phân loại nào, từ đó chỉ ra nội dung của nó đã đáp ứng được yêu cầu của phân loại đó hay chưa.
Tóm lại, để công trình có tính triết học, cần lưu ý:
Thứ nhất, việc lựa chọn đề tài nghiên cứu. Phải thấy được vấn đề triết học trong đối tượng được lựa chọn. Nói cách khác, sự vật, hiện tượng được chọn là có vấn đề về mặt thế giới quan hoặc phương pháp luận. Theo ngôn ngữ khoa học, đó là "tình huống có vấn đề”.
Tên đề tài nghiên cứu nói lên tất cả bản thể luận và nhận thức luận của một công trình.
Thứ hai, phương pháp trình bày. Bài viết được trình bày theo logic của sự vật, hiện tượng để dẫn tới kết luận có tính chất thế giới quan hay phương pháp luận, hoặc từ thế giới quan, phương pháp luận triết học, bài viết phân tích vấn đề nhằm chỉ ra bản chất, nguyên nhân của sự vật, hiện tượng đó.
Thứ ba, phần giải pháp: Bài viết phải tránh đi vào những giải pháp cụ thể, bởi như thế, vô hình trung, triết học lại làm thay các khoa học khác hoặc các ngành khác. Trên thực tế, triết học không bao giờ có thể làm thay những công việc cụ thể đó và không bao giờ đạt được những kết luận như các khoa học cụ thể trực tiếp đưa ra. Người nghiên cứu không bao giờ được quên chức năng chính của triết học là thế giới quan và phương pháp luận.
 Đưa ra các giải pháp cụ thể là chức năng của các ngành khoa học cụ thể có liên quan. Cũng vì lý do đó mà chủ nghĩa Mác được chia thành ba bộ phận cấu thành là triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học; trong đó, chủ nghĩa cộng sản khoa học là hệ quả tất yếu của hai bộ phận kia.
Tất nhiên, để đạt được những điều này, ít nhất người viết phải có kiến thức triết học căn bản. Đây là một yếu tố có ảnh hưởng quyết định đối với tính triết học của bài viết.
III. Yêu cầu đối với người nghiên cứu
- Yêu cầu về phẩm chất của người nghiên cứu
+ Có đam mê nghiên cứu, khao khát nâng cao kiến thức của bản thân.
Đam mê và nhiệt huyết sẽ khiến công trình được viết ra có hồn, có lửa, có sức hấp dẫn người đọc. Có đam mê nghiên cứu mới biến những điều đã tích lũy và kế thừa của người đi trước thành của mình. Đam mê cộng với phương pháp nghiên cứu tốt, chuẩn, là điều kiện để làm nên bản sắc. Bản sắc là cái mà khi đọc công trình, phân biệt được tác giả, tác giả không lẫn vào với mọi người.
+ Tính cẩn trọng, kỹ càng, không dễ hài lòng với bản thân.
Từng bộ phận của công trình khoa học phải được giải quyết kỹ lưỡng, chau chuốt, chu toàn từ nội dung đến hình thức- điều kiện căn bản cho thành công của công trình khoa học trong tổng thể.
Chuẩn xác trong trích dẫn, thận trọng trong trích dẫn, trong bình luận, phê phán quan điểm, trong đánh giá, nhận xét… là một trong những đòi hỏi đầu tiên đối với người nghiên cứu
- Yêu cầu về kiến thức
+ Kiến thức nền (kiến thức căn bản về vấn đề nghiên cứu phải thật vững)
+ Kiến thức mở rộng (kiến thức mở ra ngoài phạm vi nghiên cứu, bao trùm nội dung nghiên cứu phải tương đối rộng)
+ Kiến thức mới (kiến thức cập nhật tương đối rõ)
- Yêu cầu về khả năng nghiên cứu
+ Khả năng tư duy (tư duy logic)
 Khả năng này ở mỗi người khác nhau. Có người có khả năng tư duy tốt, có người trung bình.
+ Khả năng phân tích, suy luận, luận đoán.
Trong công trình khoa học, ngôn ngữ diễn đạt nặng về phân tích hơn là mô tả. Mô tả chỉ dành cho sách giáo khoa và sách thông thường. Ngôn ngữ của công trình khoa học phải là ngôn ngữ phân tích. Nhờ phân tích, công trình khoa học mới có sức thuyết phục, mới có trọng lượng khi đưa ra những luận điểm và luận chứng về một kết luận nào đó. Nói cách khác, nghiên cứu vượt khỏi mô tả và cần đến phân tích. Nó tìm kiếm sự giải thích các mối quan hệ, các so sánh đối chiếu, để đưa ra các kết luận
+ Khả năng ngôn ngữ: Thông thạo ngôn ngữ nói chung, thông thạo ngôn ngữ chuyên ngành – khái niệm, thuật ngữ, những từ ngữ thường dùng; vốn từ phong phú, đa dạng; người viết biết sự dụng vốn từ, phương pháp trình bày công trình một cách linh hoạt, uyển chuyển, hợp lý.
+ Cần nắm bắt các khái niệm: Những khái niệm tưởng chừng như đơn giản, nhưng hiểu rõ nội hàm là điều kiện tiên quyết để giải quyết những vấn đề trong công trình khoa học, trong đó phải đặc biệt chú ý những khái niệm “nền”.
- Yêu cầu về ngoại ngữ
+ Đây là chìa khóa đưa người nghiên cứu đến với việc tiếp cận nguồn tài liệu phong phú, đa dạng và khai thác chúng một cách hiệu quả, nếu không, người nghiên cứu chỉ có thể dựa vào bản dịch mà thôi. Điều đó hạn chế người nghiên cứu tiếp cận một cách hệ thống, toàn diện với tư liệu và phần nào đã lựa chọn, đánh giá tư liệu qua lăng kính của người khác - điều làm giảm đi tính khách quan, khoa học trong việc tiếp cận chân lý.
+ Ngoại ngữ chính là chìa khóa để người nghiên cứu có thể cập nhận, thu nhận thông tin một cách hữu hiệu; đồng thời, cho phép tiếp cận với những phương pháp nghiên cứu khoa học mới trên thế giới; tạo điều kiện cho người nghiên cứu tiếp cận nhanh nhất với những hướng nghiên cứu mới hoặc phổ biến trên thế giới.
IV. Rèn luyện tư duy, phong cách viết cho người nghiên cứu
Có nhiều phương pháp rèn luyện tư duy khác nhau, song một trong những phương pháp đơn giản, hữu hiệu và thông dụng hơn cả là đọc sách.
 Đọc sách là cách rèn tư duy, rèn khả năng ngôn ngữ, khả năng viết (học Sau đại học thực chất là phải rèn luyện khả năng ngôn ngữ. Viết luận văn, luận án chính là một “trò chơi với ngôn ngữ”, song ngôn ngữ này khác hẳn ngôn ngữ đời thường. Đây là ngôn ngữ khoa học).
Đọc sách là một sự liên hệ qua lại giữa người đọc và tác giả, tựa hồ như người đọc và tác giả trao đổi, đàm đạo với nhau. Không phải vô cớ mà người ta thường nói: “Đọc những cuốn sách hay khác nào đàm đạo với những bậc hiền nhân quân tử”.
 Đọc có nhiều mục đích. Song có ba mục đích chủ yếu khi rèn luyện tư duy: 1). Đọc để lấy kiến thức; 2). Đọc để học cách viết (bố cục, cách tiếp cận, cách giải quyết vấn đề, cách dùng từ ngữ khoa học…); 3). Đọc để trau dồi thêm vốn từ.
Đôi khi đọc sách biến thành một cuộc tranh luận thầm lặng với tác giả, khi đó người đọc sẽ biểu lộ kỹ năng tranh luận của mình, tức là biết tư duy đúng cách theo logic.
1. Những điều cần lưu ý khi đọc sách
- Ghi chép
Ghi chép giúp ích nhiều nhất về mặt trau dồi trí nhớ và tư duy, nhất là trong trường hợp các ghi chép có hình thức phức tạp, chẳng hạn khi người đọc không chỉ ghi lại những điều đọc được vào một quyển vở riêng hay một phiếu riêng, mà còn viết lời chú vắn tắt, còn ghi lại những nhận định (phán đoán) của mình về cuốn sách kèm với những lập luận làm cơ sở cho nhận định đó và không chỉ nhận xét về từng cuốn sách mà nhận xét về từng đề tài, từng vấn đề.
Đọc sách có hiệu quả thể hiện ở kết quả ghi chép. Đọc sách không thể thiếu ghi chép.
Ghi chép trong khi đọc sách sẽ động viên được sự chú ý, giảm mệt mỏi. Ghi chép còn giúp kiểm tra mức độ lĩnh hội tài liệu, tạo cơ sở để ghi nhớ những kiến thức đã tiếp thu. V.I. Lenin là người có trí nhớ tuyệt vời, nhưng ông luôn ghi chép đầy đủ những điều đã đọc, đã nghĩ. D.I. Mendeleev từng nói: "Ý nghĩ không được ghi chép lại chỉ là một kho báu bị giấu biệt".
Ghi chép đạt yêu cầu là biết tóm lược một cách ngắn gọn mà đầy đủ những nội dung đã đọc, chứ không lặp lại nội dung cuốn sách; hoặc phát hiện ra những nội dung có vấn đề, những nội dung quan trọng trong cuốn sách, hoặc ghi lại những ý tưởng mới nảy sinh khi đọc sách.
- Loại sách cần đọc
+ Các tác phẩm kinh điển
N.G. Tsecnưsepxki khuyên: “Hãy gắng đọc những cuốn sách chủ chốt, những tác phẩm độc đáo, nguồn của những tư tưởng vĩ đại và những hứng thú cao quý”.. Việc đọc sách phải có tác dụng biến đổi và hoàn thiện tư duy người đọc, ý thức người đọc. Ông nhận xét rằng, ngôn ngữ trong các tác phẩm kinh điển rất ngắn gọn, các tác giả kinh điển biết cách gói gém một nội dung phong phú trong một số ít từ, biết cách truyền cho người đọc “tính chất” của các thành tựu của loài người.
+ Sách nghiên cứu
Tác phẩm kinh điển thường khó đọc, muốn người đọc hiểu được các tác phẩm đó, phải có những bài bình luận. Những cuốn sách giúp người đọc hiểu thấu hơn, lĩnh hội sâu hơn và sử dụng có lợi hơn các tác phẩm kinh điển.
Các loại sách nghiên cứu về những vấn đề khoa học khác, giúp người đọc có thêm kiến thức, học cách tiếp cận, nảy sinh những ý tưởng mới, độc đáo.
+ Các ấn phẩm mang tính thông tin
Đây là những ấn phẩm mang lại cho người đọc thông tin mới, cập nhật, giúp người đọc không lạc hậu với các diễn biến khoa học, các thông tin khoa học, giúp gợi mở những hướng nghiên cứu mới.
- Đọc với tư duy phản biện
Hiện nay, ấn phẩm/công trình khoa học được xuất bản/ra đời với tốc độ chóng mặt và không phải khi nào cũng đảm bảo chất lượng, kể cả sách giáo khoa, giáo trình. Do vậy, tin tưởng tuyệt đối vào sách vở là một hoạt động phản khoa học. Khi đọc, luôn cần có tư duy phản biện, nghi ngờ, nhận xét, đánh giá và kiểm chứng. Quá trình đó cho phép người đọc sàng lọc thông tin, hấp thụ những thông tin đúng, bổ ích, kịp thời loại trừ những thông tin sai lệch. Phản biện trong lúc đọc còn đồng nghĩa với việc tích cực tranh luận với tác giả/tác phẩm, để cho ra đời những ý tưởng mới, sáng tạo.
2. Các bước đọc sách hiệu quả
2.1. Xác định mục đích đọc sách
Đây là vấn đề rất quan trọng. X.I. Povarlin đã nói: "Phương pháp đọc tuỳ thuộc vào mục đích và hoàn toàn do mục đích quy định". Mục đích đọc sách sẽ chi phối toàn bộ quá trình đọc sách. Xác định được mục đích đọc sách sẽ giúp người đọc tránh đọc tràn lan, tốn công sức và thời gian. Mục đích đọc còn giúp người đọc có cách đọc hợp lí, phù hợp với nhiệm vụ và thời gian có thể dành cho đọc sách.
Xác định mục đích đọc sách là trả lời câu hỏi: "Đọc để làm gì?". Từ đó mới trả lời được câu hỏi: "Đọc sách gì, chỗ nào và đọc như thế nào?".
2.2. Xác định kỹ thuật đọc sách
Lưu ý: Mỗi cách đọc sách đáp ứng cho những mục đích đọc nhất định và quy định  loại sách đọc. Do vậy, cần có mục đích đọc sách rõ ràng trước khi bắt tay vào đọc.
Mục đích đọc quy định kỹ thuật đọc.
Kĩ thuật đọc là năng lực chiếm lĩnh tri thức và trình độ, kĩ năng đọc. Kĩ thuật đọc phụ thuộc vào mục đích đọc, thể hiện ra bằng cách đọc – thao tác đọc. Sau đây là một số cách đọc, có thể lựa chọn theo mục đích đọc của bản thân (cũng nên lưu ý là cách phân chia này là tương đối vì giữa chúng luôn có sự giao thoa):
- Đọc sâu: Đây là cách đọc quan trọng, thường được sử dụng trong tự học. Để lĩnh hội được những tri thức cần thiết, đạt được mục đích đọc sách, cần phải đi sâu nghiên cứu cuốn sách. Công việc này đòi hỏi phải có kĩ thuật đọc. Đọc sâu chính là đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách. Đây là cách đọc quan trọng nhất, cần thiết nhất trong tự học để lĩnh hội đầy đủ nội dung cuốn sách. Từng nội dung, từng vấn đề được xem xét tìm hiểu cặn kẽ, có đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm và những cuốn sách khác về những vấn đề đã được đề cập trong dó. Những nội dung tư tưởng của cuốn sách được người đọc đánh giá, phê phán và hiểu đầy đủ, sâu sắc.
- Đọc chủ động: Là cách đọc mà khi xem xét những tư tưởng cuốn sách đề cập, người đọc luôn đối chiếu, đánh giá nó. Mọi sự chấp nhận hay phản đối đều được người đọc dựa trên cơ sở sự đánh giá, đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm; được nhận thức theo thế giới quan, tình cảm của mình, từ những nhận thức đó mà rút ra những kết luận cần thiết cho bản thân người đọc
- Đọc sách khoa học nhằm mục đích học tập, nghiên cứu, nên không chỉ đọc một lần, mà có khi phải đọc nhiều lần mới đạt được mục đích đã đề ra. Vì vậy, người ta còn chia việc đọc theo một cách khác là đọc lần đầuđọc lần sau.
+ Đọc lần đầu: Giúp có những cơ sở định hướng cho các lần đọc đi sâu đạt kết quả. Chính từ kết quả đọc lần đầu, người đọc có thể thấy được nội dung quan trọng và cần thiết với mình.
+ Đọc lần sau: Cần chú tâm vào đó. Mỗi lần như vậy lại khám phá sâu thêm nội dung cuốn sách, xác định điều cần tìm hiểu cho lần đọc đi sâu sau, thu hẹp dần phạm vi đọc. Cứ như vậy cho tới khi thấu hiểu cuốn sách, hoàn thành mục đích đọc thì việc đọc đó mới dừng lại. V.I. Lenin đã khuyên: "Sau lần đọc đầu tiên phải ghi lại những chỗ chưa hiểu hoặc chưa rõ ràng để trở lại đọc lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư...".
Lưu ý:
- Tích cực tư duy khi đọc
Đọc sách mà không tư duy tích cực thì chỉ làm phí tổn thời gian vô ích. Tích cực tư duy khi đọc là luôn hình dung những ý tưởng trong sách thành những nội dụng cụ thể, sáng rõ trong đầu; đối chiếu, so sánh chúng với nhau và với những hiểu biết đã có; trên cơ sở đó, phát hiện được cái chủ yếu, cái không chủ yếu; cái bản chất và không bản chất, rút ra được kết luận cho bản thân mình.
Từ quá trình tư duy tích cực, người đọc sẽ có cái nhìn mới, cái nhìn toàn thể dưới góc độ mới và chất lượng mới. Tích cực tư duy khi đọc chính là "lớn lên" qua mỗi trang sách.
- Rèn luyện để có kĩ thuật đọc hợp lí
Kĩ thuật đọc sách bao gồm nhiều nội dung, song chú ý tốc độ đọc:
Đọc với tốc độ biến đổi: Đoạn nào quan trọng thì đọc chậm, đọc kĩ; đoạn nào không quan trọng thì đọc nhanh, đọc lướt.
Tập đọc nhanh, nắm và thâu tóm nhanh cái chủ yếu, cái cơ bản của vấn đề trình bày trong sách.
Đọc nhanh không phải là đọc vội vàng, ngốn ngấu sách. Đọc như vậy chỉ có hại. Đọc nhanh là tóm lấy thật nhanh, thật đúng và đủ nội dung, chứ không phải đưa mắt nhanh trên những câu chữ.
V. Tiến trình tổ chức một công trình khoa học
Nói chung, không có những quy tắc hay lộ trình tuyệt đối trong tiến trình thực hiện một công trình khoa học.
Các quy tắc này có thể thay đổi tuỳ chuyên ngành, tuỳ cấp độ nghiên cứu cũng như tuỳ người hướng dẫn hoặc chịu trách nhiệm khoa học của đề tài.
Tuy nhiên, vẫn có những bước cơ bản giúp một người làm công tác nghiên cứu có thể xây dựng một đề tài nghiên cứu đạt hiệu quả. Thông thường, tiến trình nghiên cứu, còn được gọi là các giai đoạn tiến hành nghiên cứu (giai đoạn quản trị của một công trình nghiên cứu), có thể được chia thành ba giai đoạn chính:
1). Chọn lựa và sưu tầm
Chọn lựa và sưu tầm bao gồm trước nhất là chọn lựa đề tài nghiên cứu thích hợp và tiến hành thu thập các tư liệu làm nền tảng cho đề tài nghiên cứu. Đây là bước khởi đầu và cũng là bước đi quan trọng nhất.
2). Tổ chức thực hiện
- Tổ chức là công việc đọc, nghiên cứu, phân tích, tích lũy, nạp kiến thức chuyên sâu về vấn đề (trên mọi phương diện, mọi khía cạnh của vấn đề, càng sâu, càng rộng thì càng tốt).
- Phân loại, đánh giá và đặt tất cả tài liệu trong mối tương quan có ý nghĩa. Từ đó quan điểm nghiên cứu, ý tưởng nghiên cứu được hình thành dần dần.
 3). Trình bày công trình
- Trình bày là dựa trên việc kế thừa tư liệu đã có, phân tích, xử lý tư liệu mới, phục vụ cho việc hình thành quan điểm nghiên cứu, ý tưởng nghiên cứu – Viết đề cương, đề cương chi tiết.
- Từ đề cương chi tiết, viết, chuyển hóa ý tưởng, quan điểm thành một công trình hoàn chỉnh.
Ba giai đoạn này có quan hệ mật thiết với nhau, và do đó, nếu thiếu một trong ba giai đoạn, công tác nghiên cứu không thể mang lại kết quả như mong đợi.
Ba giai đoạn đó có thể hình dung qua một lộ trình thực hiện như sau:
1). Thu thập tài liệu, lựa chọn đề tài (cũng có thể ngược lại).
2). Lập kế hoạch thực hiện
3). Đặt vấn đề, xử lý tài liệu, thông tin
4). Hình thành ý tưởng, quan điểm nghiên cứu (chủ yếu thể hiện qua đề cương)
5). Viết báo cáo kết quả nghiên cứu
………
Trình tự này mang tính tương đối, bởi có thể có những đề tài xuất phát từ những ý tưởng mới, sau đó mới thu thập tài liệu, triển khai thực hiện. Cũng có thể có đề tài diễn ra theo hướng ngược lại, sau khi đã tích luỹ một lượng thông tin, tài liệu đủ lớn để có cái nhìn tổng quát và sâu sắc, làm nảy sinh ý tưởng về đề tài nghiên cứu.
Trong tổng thể quá trình này, công tác nghiên cứu tài liệu đóng vai trò rất quan trọng. Đó không phải là công việc chỉ làm một lần, hay chỉ là một quá trình đơn tuyến, mà được lặp đi, lặp lại nhiều lần, với nhiều mức độ và mục đích khác nhau, vì những lý do sau:
1). Khi mới bắt đầu: Giúp lựa chọn đề tài, đánh giá phạm vi các nguồn tài nguyên hỗ trợ, đặt vấn đề nghiên cứu.
2).Khi đang nghiên cứu: Giúp củng cố các luận cứ, luận chứng, bổ sung các đánh giá phê bình khoa học.
3). Khi kết thúc nghiên cứu: Giúp tạo hình mẫu, tiêu chuẩn để soạn thảo và trình bày kết quả nghiên cứu.
Lưu ý:
- Không có những quy tắc tuyệt đối trong mọi trường hợp. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có những quy tắc cần tuân theo.
- Cách tốt nhất là đọc nhiều, tìm hiểu nhiều, từ đó có thể phát hiện vấn đề, nhìn thấy những mối liên hệ của vấn đề nghiên cứu cùng tồn tại song song, xen kẽ, có những mối liên hệ, ràng buộc nhau, để có thể đưa ra được sự lựa chọn phù hợp nhất trong từng hoàn cảnh, từng tình huống thực tế.
 
Có thể Dowload toàn văn bài viết tại địa chỉ: Mục Phương pháp, Trang Web TRI THỨC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét