Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐỊNH TÍNH


1. Sự cần thiết của nghiên cứu định tính
Nghiên cứu là một quá trình tìm kiếm các tri thức được khái quát hóa để có thể áp dụng vào việc giải thích cho một loạt các hiện tượng. Để làm được điều đó nhà nghiên cứu phải xác định “nguồn” nơi có thể thu thập được số liệu thích hợp. Một khi nguồn đã được xác định, nhà nghiên cứu phải lựa chọn kỹ thuật thu thập số liệu cho phép thu hoạch được số liệu tốt nhất. Trong trường hợp lý tưởng, nhà nghiên cứu phải sử dụng bất kỳ phương pháp thích hợp mà nhờ đó thu thập được số liệu đáng tin cậy. Tuy nhiên, trong thực tế, việc sử dụng loại phương pháp thực nghiệm nào lại phụ thuộc vào loại số liệu cần được thu thập. Khi nào cần thông tin định lượng thì các phương pháp định lượng là thích hợp nhất. Nếu số liệu cần thu thập là định tính thì nhà nghiên cứu cần phải sử dụng các phương pháp định tính.

2. Nội dung của nghiên cứu định tính
Đây là phương pháp nghiên cứu mà dữ liệu thu thập được không mô tả số lượng. Phỏng vấn là công cụ thường được sử dụng trong phương pháp này. Phỏng vấn là đưa ra những câu hỏi với người đối thoại để thu thập thông tin.
Nghiên cứu định tính là một phương pháp tiếp cận nhằm tìm cách mô tả và phân tích đặc điểm văn hóa và hành vi của con người và của nhóm người từ quan điểm của nhà nghiên cứu.
Nghiên cứu định tính cung cấp thông tin toàn diện về các đặc điểm của môi trường xã hội nơi nghiên cứu được tiến hành. Đời sống xã hội được nhìn nhận như một chuỗi các sự kiện liên kết chặt chẽ với nhau mà cần được mô tả một cách đầy đủ để phản ánh được cuộc sống thực tế hàng ngày.
Nghiên cứu định tính dựa trên một chiến lược nghiên cứu linh hoạt và có tính biện chứng. Phương pháp này cho phép phát hiện những chủ đề quan trọng mà các nhà nghiên cứu có thể chưa bao quát được trước đó. Trong nghiên cứu định tính, một số câu hỏi nghiên cứu và phương pháp thu thập thông tin được chuẩn bị trước, nhưng chúng có thể được điều chỉnh cho phù hợp khi những thông tin mới xuất hiện trong quá trình thu thập. Đó là một trong những khác biệt cơ bản giữa phương pháp định tính và phương pháp định lượng
3. Nguồn gốc của các phương pháp nghiên cứu định tính
Các phương pháp nghiên cứu định tính được phát triển và sử dụng đầu tiên trong các nghiên cứu nhân chủng học, một bộ môn khoa học xã hội. Các nhà nhân chủng học đi đến các cộng đồng mà họ muốn nghiên cứu và sống ở đó một thời gian dài để quan sát người dân và tìm hiểu những nguyên nhân chi phối hành vi ứng xử của họ. Để có được những thông tin sâu, các nhà nhân chủng học thường sử dụng các kỹ thuật như phỏng vấn phi cấu trúc, thu thập lịch sử đời sống, thảo luận nhóm và nghiên cứu trường hợp. Thoạt tiên, những kỹ thuật này được phát minh nhằm thu thập những thông tin mô tả, phi định lượng. Ngày nay, các kỹ thuật đó được sử dụng rộng rãi không chỉ trong phạm vi của nhân chủng học mà còn ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.
4. Các phương pháp nghiên cứu định tính chủ yếu
4.1.Phỏng vấn không cấu trúc
Là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất trong nghiên cứu xã hội. Khi sử dụng phương pháp này. nghiên cứu viên phải nhớ một số chủ đề cần phỏng vấn và có thể sử dụng một danh mục chủ đề để khỏi bỏ sót trong khi phỏng vấn. Nghiên cứu viên có thể chủ động thay đổi thứ tự của các chủ đề tuỳ theo hoàn cảnh phỏng vấn và câu trả lời của người được phỏng vấn.
Phỏng vấn không cấu trúc giống như nói chuyện, làm cho người được phỏng vấn cảm thấy thoải mái và cởi mở trả lời theo các chủ đề phỏng vấn. Điều cốt yếu quyết định sự thành bại của phỏng vấn không cấu trúc là khả năng đặt câu hỏi khơi gợi một cách có hiệu quả, tức là khả năng kích thích người trả lời cung cấp thêm thông tin.
 Ưu điểm của phỏng vấn không cấu trúc: Cho phép nghiên cứu viên linh hoạt thay đổi cấu trúc phỏng vấn tùy theo ngữ cảnh và đặc điểm của đối tượng. phỏng vấn không cấu trúc đặc biệt có ích trong những trường hợp khi mà người nghiên cứu cần phỏng vấn những người cung cấp thông tin nhiều lần, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Phỏng vấn không cấu trúc cũng hữu ích trong những trường hợp không thể sử dụng được phỏng vấn chính thức (ví dụ khi nghiên cứu về  trẻ em lang thang ...).
- Nhược điểm: Không có mẫu chuẩn bị sẵn nên mỗi cuộc phỏng vấn là một cuộc trò chuyện không lặp lại vì vậy rất khó hệ thống hoá các thông tin và phân tích số liệu.
4.2. Phỏng vấn bán cấu trúc
Phỏng vấn bán cấu trúc là phỏng vấn dựa theo danh mục các câu hỏi hoặc các chủ đề cần đề cập đến. Tuy nhiên thứ tự và cách đặt câu hỏi có thể tuỳ thuộc vào ngữ cảnh và đặc điểm của đối tượng phỏng vấn. Các loại phỏng vấn bán cấu trúc gồm:
- Phỏng vấn sâu: Được sử dụng để tìm hiểu thật sâu một chủ đề cụ thể, nhằm thu thập đến mức tối đa thông tin về chủ đề đang nghiên cứu. phỏng vấn sâu sử dụng bản hướng dẫn bán cấu trúc trên cơ sở những phỏng vấn thăm dò trước đó về chủ đề nghiên cứu để có thể biết được câu hỏi nào là phù hợp.
- Nghiên cứu trường hợp
 Nhằm thu thập thông tin toàn diện, có hệ thống và sâu về các trường hợp đang quan tâm. “Một trường hợp” ở đây có thể là một cá nhân, một sự kiện, một giai đoạn bệnh, một chương trình hay một cộng đồng. Nghiên cứu trường hợp đặc biệt cần thiết khi nghiên cứu viên cần có hiểu biết sâu về một số người, vấn đề và tình huống cụ thể, cũng như khi các trường hợp có nhiều thông tin hay mà có thể đem lại một cách nhìn sâu sắc về hiện tượng đang quan tâm.
4.3.Phỏng vấn có cấu trúc hoặc hệ thống
Là phương pháp phỏng vấn tất cả các đối tượng những câu hỏi như nhau. Thông tin thu được bằng phương pháp này có thể bao gồm cả các con số và các dữ liệu có thể đo đếm được. Các phương pháp này được coi là một bộ phận trong nghiên cứu định tính vì chúng giúp cho việc mô tả và phân tích các đặc điểm văn hóa và hành vi của đối tượng nghiên cứu. Phương pháp này nhằm phát hiện và xác định rõ các phạm trù văn hóa thông qua sự tìm hiểu “những quy luật văn hóa” trong suy nghĩ của cá nhân, tìm hiểu xem họ nghĩ và biết gì về thế giới xung quan họ và cách họ tổ chức các thông tin này như thế nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét